Thiếu chế tài hiệu quả ngăn người vi phạm nồng độ cồn lái xe

VOVGT - Một số ý kiến cho rằng, các chế tài đối với người lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông dường như vẫn chưa đủ khiến các ma men lo ngại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đánh giá về những nguy cơ xảy ra TNGT đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện có nhiều số liệu thống kê về tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, song một nghiên cứu của Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới khảo sát với 18.000 bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện của 10 tỉnh, thành phố cho thấy, những TNGT do người điều khiển phương tiện gây nên chiếm khoảng 37% tổng số vụ TNGT. Con số do Bộ Công an thống kê vào khoảng 45%.

Mặc dù Ủy ban ATGT Quốc gia  đã đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với tất cả các nạn nhân cấp cứu do TNGT, song đến nay điều này vẫn chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre cho thấy, trong số 326 nạn nhân cấp cứu TNGT trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng chỉ định thử nghiệm nồng độ cồn với 195 người thì cả 195 người đều có nồng độ cồn trong máu cao hơn quy định của pháp luật.

Từ thực tế này, ông Hùng cho rằng, nếu kịp thời kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả nạn nhân TNGT thì chắc chắn tỷ lệ người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ khá cao. Ông Hùng nói: Nếu các bác sĩ hay ngành y tế thực hiện quy định này thì chắc chắn con số sẽ lớn hơn con số 56% của ngành công an và không thua con số 37% con số của Tổ chức Y tế thế giới công bố và một số địa phương nó sẽ rất gần con số 70% do một nghiên cứu khoa học nào đó đưa ra.

Nghe ý kiến của ông Khuất Việt Hùng tại đây:

 

Một số ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông để qua đó góp phần ngăn ngừa tai nạn. Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Minh Chất, Phó giám đốc Học viện Cảnh sát lại cho rằng, luật pháp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã tương đối đầy đủ, kể cả các chế tài với người tham gia giao thông lạm dụng bia rượu.

Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chế tài nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, thứ nhất là chế tài thu bằng, tạm giữ phương tiện, nâng mức phạt bằng tiền. Đồng thời, khi bị xử phạt tù thì lỗi xử phạt hành chính sẽ trở thành tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, theo ông Chất, mục đích của việc xử phạt là giáo dục, nếu không có sự giáo dục mà chỉ xử phạt một cách nặng nề, kể cả xử phạt tù thì tác dụng giáo dục không cao.

Thiếu tướng Trần Minh Chất nói: Thực trạng pháp luật hiện nay rất đầy đủ. Nếu chúng ta đưa ra những chế tài nghiêm khắc quá, thì tính giáo dục và giá trị đối với xã hội sẽ không thể cao lên được. Chúng ta cũng phải học các nước trên thế giới, ví dụ kiên quyết không bán rượu bia sau 22h đêm, cấm những người dưới 18 tuổi mua rượu bia.

 

Tuy vậy, trên cơ sở kinh nghiệm tại một số nước, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng cần tăng nặng các hình thức xử phạt đối với tài xế say xỉn. Theo ông Nam, cần quy định nồng độ cồn trong máu từ 30mg/100ml máu sẽ bị xử phạt, thay vì mức 50mg như quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Phương Nam nói: Mức chúng ta quy định hiện nay là 50mg/100ml máu. Khi người tham gia giao thông đạt mức nồng độ còn trong máu này thì nguy cơ tai nạn với họ rất cao. Chính vì thế, cần tăng nặng hình phạt, vì dụ có thể phạt tù đối với những người tham gia giao thông có nồng độ cồn cao, trên 80mg/100 ml máu và nghiên cứu phạt nặng hành vi tái phạm. Như thế mới đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

 

Đồng tình quan điểm này, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia  cũng cho rằng, việc quy định phạt nặng đối với hành vi đặc biệt nguy hiểm đối với người tham gia giao thông là thỏa đáng. Do vậy, cần hạ “ngưỡng” nồng độ cồn trong máu xuống mức 20mlg/100ml máu.

Ông Minh cho biết: Ở đây không phải là đe dọa hay không, mà vấn đề là hành vi ấy có thể dẫn đến việc thiệt hại về người và tài sản, thậm chí thiệt mạng, tức là xảy ra xác suất rất lớn. đe dọa nghiêm trọng đến quyền đi lại tự do, đi lại an toàn, quyền được sống của người dân và như vậy là vi phạm Hiến pháp. Cho nên việc này phải hình sự hóa.