Thiếu cập nhật dữ liệu GPLX tạo kẽ hở cho báo mất, xin cấp lại

VOVGT - Việc cập nhật thông tin vào mạng dữ liệu chung chưa kịp thời đã tạo kẽ hở cho việc báo mất xin cấp lại GPLX đối với các trường hợp vi phạm luật GT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hàng ngàn trường hợp vi phạm giao thông đã “bỏ quên” GPLX ở cơ quan chức năng. Ảnh: Công an nhân dân

Trao đổi với phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia, anh Nguyễn Việt Cường, Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo Lái xe Thái Việt, Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, việc báo mất, xin cấp lại GPLX phải thực hiện theo quy trình và tốn thời gian, do cơ quan chức năng phải xác nh thông tin khai báo của người dân.

Anh Cường cho biết: "Nếu báo mất, Sở GTVT kiểm tra trên hệ thống, trường hợp công an giữ bằng thì sẽ không cho cấp lại. Do vậy, mất bằng thì 2 tháng sau mới được cấp lại là vì thế. Phải chờ xác nh xem có phải là công an giữ giấy tờ hay không, nếu công an giữ thì không thể xin cấp lại được".

 

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xác nh thông tin của cơ quan chức năng trước khi phê duyệt hồ sơ xin cấp lại GPLX còn được đánh giá là khó khăn, do tính cập nhật của hệ thống mạng dữ liệu chung giữa Cục CSGT và Tổng Cục đường bộ Việt Nam còn chưa cao.

Trong nhiều trường hợp, người dân bị lực lượng CSGT địa phương giữ bằng lái xe do vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, không ít người sẵn sàng phớt lờ lịch hẹn đến làm thủ tục xử lý vi phạm hành chính để nhận lại GPLX, khiến hiệu quả răn đe vi phạm hạn chế. Theo lực lượng CSGT, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm là khá cao. Người dân thường lựa chọn việc xin cấp lại GPLX mới hơn là quay lại nơi xử lý để làm các thủ tục nộp phạt vi phạm theo quy định.

Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân lại có tâm lý này? Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho biết: "Trước đây Hiệp hội chúng tôi đã đề nghị các ngành ban hành quyển số quản lý lái xe. Khi lái xe vi phạm, người ta phạt thì ghi vào đấy, tích lại và tích đồng thời vào mạng. Chứ lái xe vi phạm chỗ này, bị thu bằng chỗ này mà đi chỗ khác mua bằng mới thì không giải quyết được vấn đề gì".

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có những trao đổi cụ thể về bất cập đang nảy sinh và yêu cầu đặt ra để giải quyết tình trạng báo mất, xin cấp lại GPLX, gây khó khăn cho công tác quản lý, răn đe, chấn chỉnh vi phạm.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

Việc cập nhật thông tin vào mạng dữ liệu chung giữa ngành giao thông và ngành công an còn được đánh giá chưa kịp thời. 

PV: Thưa ông Nguyễn Văn Quyền, ông có ý kiến như thế nào về lỗ hổng trong việc báo mất, xin cấp lại GPLX hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Lâu nay, chúng ta có cơ sở dữ liệu về quản lý GPLX, trong đó có phần mềm người lái xe bị xử lý, bị CSGT giữ GPLX chờ đến xử lý. Khi đó, cơ quan giữ GPLX phải cập nhật vào phần mềm để cơ quan quản lý cấp GPLX biết để ngăn chặn việc báo mất và xin cấp lại. Tuy nhiên, việc cập nhật đó không đầy đủ, không kịp thời, do đó cũng tạo ra kẽ hở rất lớn trong quản lý.

PV: Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu gì và các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp để cải thiện tình hình trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Về mặt công nghệ thì thực hiện việc đó không khó với trình độ công nghệ hiện nay và chi phí đầu tư không nhiều. Tuy nhiên, cái khó nhất là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý có thẩm quyền trong quá trình tích hợp vào cơ sở dữ liệu đó là chưa cao. Nếu chúng ta có phần mềm nhưng toàn bộ việc xử lý những vi phạm trên đường, hoặc lái xe bị tai nạn, nếu cơ quan có trách nhiệm quản lý trên lĩnh vực đó không tích hợp dữ liệu kịp thời, đầy đủ, thì dữ liệu khai thác, sử dụng dữ liệu đó sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Do đó, muốn có hiệu quả cao thì vấn đề này phải có cơ quan có thẩm quyền cao nhất, ví dụ cấp chính phủ ban hành chỉ thị, có chủ trương và có sự chỉ đạo chặt chẽ thì mới có thể nâng cao hiệu quả của cơ sở dữ liệu đó.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông.

Như vậy, các ý kiến chuyên gia cho rằng, để giải quyết bất cập trong công tác xử phạt vi phạm và cấp lại GPLX hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ GTVT trong việc cập nhật thông tin vào mạng cơ sở dữ liệu chung.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Chính phủ cần có chủ trương và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xây dựng mạng dữ liệu lái xe thống nhất trên toàn quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng và nâng cao phẩm chất, ý thức của từng lái xe cũng như đảm bảo tính răn đe của pháp luật, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.