Thiệt hại lớn vì tai nạn do lỗi khách quan, đường sắt 'bắt đền' ai?

VOVGT - Trong nhiều vụ tai nạn, ngành đường sắt thiệt hại nặng nề nhưng lại khó khăn trong việc nhận bồi thường do người gây tai nạn không có khả năng chi trả.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tai nạn giao thông đường sắt thường để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Trong đó, nhiều vụ tai nạn, ngành đường sắt thiệt hại nặng nề nhưng lại rất khó khăn trong việc nhận bồi thường do người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện không có khả năng chi trả. 

Tai nạn giao thông đường sắt thường để lại hậu quả lớn về người và tài sản. Ảnh: Zing

Pháp luật đã quy định mọi tổ chức, cá nhân gây ra sự cố, tai nạn giao thông phải bồi thường thiệt hại, thanh toán các chi phí để giải quyết, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, thống kê phần lớn các vụ TNGT đường sắt đều do người và phương tiện giao thông đường bộ gây ra nhưng ngành Đường sắt rất khó để nhận được sự bồi thường từ lái xe hoặc doanh nghiệp vận tải gây ra tai nạn đường sắt.

Trao đổi cùng phóng viên Kênh VOV Giao thông về các quy định của pháp luật đối với các trường hợp bồi thường tai nạn, Luật sư Phạm Thành Tài, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết:

 

“Trong trường hợp hậu quả để lại rất nghiêm trọng, người lái xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong trường hợp mà mức thiệt hại về tài sản vượt quá 1,5 tỷ đồng thì lái xe sẽ bị truy tố và có mức hình phạt từ 7-15 năm tù, đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh. Ngoài ra, lái xe này còn bị cấm hành nghề từ 1-5 năm và phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại phát sinh. Cơ quan quản lý đường sắt có thể khởi kiện theo đúng các quy định hiện hành”.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo quy định tại luật Giao thông đường bộ, đường sắt là đường dùng riêng, nhưng do đặc thù giao thông ở nước ta có nhiều đường ngang giao cắt nên các phương tiện cơ giới đi qua phải quan sát và nhường đường.

Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn do lái xe cơ giới khi qua đường sắt bất cẩn, không quan sát nên bị tàu hỏa đâm vào gây nên tai nạn thảm khốc. Đa số những vụ tai nạn này lỗi là do người điều khiển xe cơ giới, nhưng ngành đường sắt hầu như không bao giờ nhận được bồi thường. Thậm chí, có không ít vụ tai nạn lái xe tải đâm vào tàu hỏa gây thiệt hại nặng cả về người và vật chất, nhưng ngay cả khoản bồi thường cho lái tàu bị thương, ngành đường sắt cũng không nhận được.

Trong khi đó, đặc thù của đường sắt là phải tập trung ứng cứu, khắc phục nhanh nhất hậu quả sự cố, các vụ TNGT chứ không thể chờ chủ phương tiện giao thông đường bộ thông đường. Trên thực tế, để khắc phục được một sự cố mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì thế, lỗi thì từ phía đường bộ nhưng toàn bộ chi phí đường sắt phải chịu.

Để hạn chế những trường hợp này, theo ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chúng ta cần chủ động phòng tránh tai nạn giao thông tại đường ngang.

 

“Để tránh những trường hợp này, chúng ta cần phòng tránh, các doanh nghiệp vận tải cần có ý thức nâng cao quản lý lái xe. Các cơ quan chức năng tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nguyên tắc giao thông đường bộ và đường bộ với đường sắt. Nếu làm được như vậy chúng ta sẽ giảm được nhiều tai nạn, giảm được các thiệt hại lớn”.

Tin đường sắt:

 

Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt

# Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh mới đây đã yêu cầu cán bộ, công nhân trực tiếp làm công tác phục vụ chạy tàu tiếp tục rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn, các bất cập về phương tiện, thiết bị; tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giám sát an ninh trật tự, An toàn giao thông đường sắt tại các phòng trực ban chạy tàu ga, trên đầu máy, phòng gác chắn đường ngang và tại các đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động, thông qua dữ liệu thiết bị Camera giám sát tập trung tại từng đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ gây mất an toàn.

# Theo Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn, tính đến 8h ngày 25/10, đã có hơn 160.000 vé tàu Tết được bán ra và còn 112.000 chỗ trống trên các đoàn tàu đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Trong đó, còn hơn 35.000 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang và Hà Nội vào thời gian trước Tết và gần 80.000 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn đến Nha Trang, Biên Hòa và Tp.HCM vào thời gian sau Tết.

Giá vé năm nay tăng từ 10% - 20% so với cùng kỳ năm 2018 và có nhiều chính sách giảm giá từ 10% - 50% cho các hành khách mua vé sớm từ 10 - 50 ngày, cũng như cho các đối tượng sinh viên, học sinh và các đối tượng chính sách xã hội.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây: