Thiệt hại kinh tế do TNGT, các con số giật mình (Bài 4): Sử dụng dữ liệu thống kê như thế nào?

VOVGT - Những thiệt hại về kinh tế khổng lồ do TNGT được nhìn nhận như thế nào trong việc hoạch định các chính sách đảm bảo ATGT tại các địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Như các bài viết trước đã đề cập, thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra hàng năm ở nước ta chiếm khoảng 2,5-2,9%GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.

Những thiệt hại về kinh tế khổng lồ này được nhìn nhận như thế nào trong việc hoạch định các chính sách đảm bảo an toàn giao thông tại các địa phương và trên bình diện cả nước.

>>> Thiệt hại kinh tế do TNGT, các con số giật mình (Bài 1): Cách thức tiếp cận, đánh giá hậu quả?

>>> Thiệt hại kinh tế do TNGT, các con số giật mình (Bài 2): Chưa thể đánh giá hết?

Việc đưa những thiệt hại này vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương là cần thiết

Đề cập thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, nỗ lực phấn đấu của cả quốc gia trong 1 năm mới đạt mức tăng trưởng được 7%, nhưng thiệt hại do TNGT đã cướp đi 6 tỷ USD.

Con số này bằng 30% ngân sách giáo dục và tương đương 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo của cả nước. Đây là vấn đề rất lớn, nếu không làm tốt thì các thành quả tăng trưởng bị kéo giảm xuống, thậm chí mất đi do thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra.

Tuy vậy, những con số này chưa được nhìn nhận xứng đáng trong các kế hoạch, chính sách đảm bảo an toàn giao thông trên bình diện quốc gia cũng như cấp tỉnh, thành phố.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết:

 

"Xưa nay chẳng bao giờ có đánh giá và các con số để xây dựng các phương án đảm bảo an toàn giao thông. Thường người ta chỉ lấy căn cứ đảm bảo an toàn cộng với mức tiền trong dự toán của các dự án thôi chứ không lấy các con số bị thương, bị chết thiệt hại như thế nào để đưa ra các phương án để xây dựng chính sách đảm bảo an toàn giao thông. Đấy gần như là sự xa xỉ ở nước mình".

Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng, so sánh kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã cho thấy rõ thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra đối với nền kinh tế nước ta đang trầm trọng ở mức nào.

Do vậy, việc đưa những thiệt hại này vào việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế- xã hội ở từng địa phương là cần thiết.

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, những kết quả nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy, nếu mỗi quốc gia tập trung các giải pháp để giảm TNGT thì đồng thời gây một hiệu ứng rất tốt, đó là kinh tế tăng trưởng mạnh hơn. Nếu để TNGT xảy ra nhiều thì tăng trưởng kinh tế cũng bị giảm. Như vậy, giữa 2 vấn đề này không liên quan trực tiếp, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

TS Trần Hữu Minh nói:

 

"Tôi cho rằng, ngoài những giải pháp chúng ta thực hiện có thể để đảm bảo tính mạng của người dân thì chúng ta cũng phải đặc biệt tăng cường truyền thông để các cấp các ngành, các cơ quan chức năng nhận ra vấn đề thiệt hại về kinh tế hiện nay do TNGT gây ra đang là rất lớn và xứng đáng để chúng ta bỏ thêm nhiều nguồn lực, thêm con người để thực hiện các giải pháp nâng cao an toàn giao thông trên toàn quốc".

>>> Thiệt hại kinh tế do TNGT, các con số giật mình (Bài 3): Giảm 1/3 tăng trưởng kinh tế

Dẫn kinh nghiệm quốc tế trong việc hoạch định chiến lược nhằm kéo giảm thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra, TS Trần Hữu Minh cho biết, việc đảm bảo trật tự ATGT luôn là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ quốc gia nào.

 

"Đối với Thụy Điển, môt quốc gia rất phát triển, có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới thậm chí họ có chính sách giao thông là tầm nhìn Zero, tức là tầm nhìn để cho không ai bị TNGT, giảm thiệt hại do TNGT xuống con số 0".

Từ những phân tích này, TS Trần Hữu Minh cho rằng, những thiệt hại về con người, về kinh tế luôn là một nhân tố hết sức quan trọng và cần được cân nhắc đầy đủ, được đánh giá đúng mức khi xây dựng, hoạch định các chính sách, các chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung cả ở phạm vi toàn quốc lẫn cấp địa phương. Khi làm như vậy là chúng ta đã thực hiện đúng những chủ trương, kể cả của Liên hợp quốc, của Đảng và chính phủ một cách bền vững.

Theo ông Minh, đây là cách tốt nhất để có thể phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững ở cả cấp quốc gia và từng địa phương.