Thiệt hại do cây gãy đổ: Ai phải chịu trách nhiệm?

Việc cây xanh bất ngờ gẫy đổ khi trời mưa, giông bão gây tai nạn, thậm chí làm chết người đã không còn là chuyện hy hữu. Nó trở thành mối lo ngại với người dân mỗi khi lưu thông trên đuờng. Tuy vậy, rất ít trường hợp nạn nhân được bồi thường.

Vì sao có tình trạng này? Giải pháp nào phòng ngừa rủi ro do cây gãy đổ? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Phần lớn cây xanh gãy đổ là những cây mới trồng, rễ chưa kịp phát triển hoặc hệ thống cây xanh lâu năm bị xâm hại do quá trình đô thị hóa, hạ ngầm dây cáp, đường điện, chỉnh trang vỉa hè khiến hệ thống rễ cây bị chặt bớt

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa bão, hàng năm, Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội đều triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm.

Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, đặc biệt là cành khô, sâu mục…

Tuy vậy, riêng trận mưa giông chiều tối và đêm 22/6 vừa qua, trên địa bàn Hà Nội có hơn 260 cây xanh bị đổ, gãy cành, gãy ngang thân, chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết:

 

"Cây đổ do rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như mưa bão, thiên tai, đấy là chủ yếu. Thứ 2 nữa là có rất nhiều công tác ảnh hưởng đến cây, ví dụ như hạ hè, rồi tình trạng xâm hại cây xanh, chặt bớt rễ cây, đốt gốc. Bên cạnh đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP. Hà Nội rất nhiều mái đua, mái vẩy, và các hệ thống hạ tầng khác như dây điện, điện thoại khiến cây phát triển lệch tán, làm cho cây dễ bị đổ".

Tuy vậy, ông Lê Huy Cường, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp VN cho rằng: Điều này hoàn toàn có thể phòng ngừa để giảm thiểu, bởi phần lớn cây xanh gãy đổ là những cây mới trồng, rễ chưa kịp phát triển; hoặc hệ thống cây xanh lâu năm bị xâm hại do quá trình đô thị hóa, hạ ngầm dây cáp, đường điện, chỉnh trang vỉa hè khiến hệ thống rễ cây bị chặt bớt.

Quan sát hiện trạng cây xanh đường phố và những vụ việc cây đổ những năm gần đây, ông Lê Huy Cường cho rằng, phần lớn là những cây đã bị nghiêng về phía đường phố nên khi cắt tỉa làm sao giữ thăng bằng cho thân cây:

 

"Cắt tỉa có 2 yêu cầu, một là hạ tán xuống, hai là tỉa bớt cành cho tán gọn lại. hai động tác đó hiện nay người ta không làm được chuyện đó. Chẳng hạn xà cừ hoặc một số cây cao, cần hạ tán xuống, nhưng người ta không chịu hạ tán xuống, vấn để cây cao, rất dễ đổ".

Phần lớn các trường hợp cây gãy đổ là do mưa, gió, bão, được xem là sự kiện bất khả kháng, và đơn vị quản lý cây xanh không phải bồi thường

GS. TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản VN cũng cho rằng, dù được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên, nhưng cây xanh đường phố vẫn gãy đổ. Do vậy, những cây xanh được công nhận là cây di sản (có tuổi thọ từ 100 năm trở lên) càng dễ bị nguy hại.

TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, những cây xanh này, ngoài việc mang lại bóng mát, còn có giá trị lịch sử, văn hóa, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi tuổi thọ cây càng cao, sức đề kháng càng giảm. Tuy vậy, số cây di sản này chưa được đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc:

 

"Những cây di sản hiện nay không có quy chế chăm sóc, chứ đáng lẽ ra, nó cũng là cây xanh, thì trách nhiệm của Công ty đó phải bảo vệ những cây là cây Di sản VN cái cây tuổi đời hàng trăm tuổi như thế, thì lại không có".

Mặc dù tình trạng cây gãy đổ, gây thiệt hại về người và tài sản vẫn diễn ra, song rất ít trường hợp nạn nhân được bồi thường. Lý giải về điều này, Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, theo Bộ Luật dân sự 2015, Công ty TNHH Một thành viên công ty cây xanh và một số đơn vị đang được giao quản lý, chăm sóc hệ thống cây đường phố phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu cây xanh bị gãy đổ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Tuy vậy, phần lớn các trường hợp cây gãy đổ là do mưa, gió, bão, được xem là sự kiện bất khả kháng, và đơn vị quản lý cây xanh không phải bồi thường:

 

"Thông thường khi cây xanh gãy đổ, gây thiệt hại về người và tài sản, người dân đều cho rằng, đây là những sự cố hy hữu, không may xảy ra. Do vậy, những người bị thiệt hại không thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, rất khó để xác định gãy đổ cây xanh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không".

Nếu cây xanh được coi là tài sản Nhà nước, những ai xâm hại, phá hoại sẽ phải bồi thường theo đúng quy định, chứ không phải chỉ bị xử phạt hành chính như hiện nay

Mặc dù tình trạng gãy đổ cây xanh thường xuyên diễn ra, không ít vụ gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Tuy vậy, hầu như chưa có trường hợp nào nạn nhân được bồi thường.

Dưới góc nhìn của VOVGT, chỉ khi cây xanh được coi là tài sản Nhà nước và được bảo hiểm, khi đó thiệt hại do cây gãy đổ mới có thể được bồi thường. Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: Bảo hiểm cho cây, tại sao không?

 

Về nguyên tắc, quản lý cây xanh thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng các địa phương. Dưới các Sở Xây dựng, là Công ty TNHH Một thành viên cây xanh và các Ban Quản lý thuộc các Quận, huyện chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc cây xanh. 

Về luật pháp, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gãy đổ gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng.

Ở đây, cây xanh thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, còn các công ty công viên cây xanh và Ban Quản lý các quận, huyện chịu trách nhiệm trồng và chăm sóc theo đơn đặt hàng hoặc đấu thầu của Sở Xây dựng.

Do vậy, nếu cây gãy đổ, gây thiệt hại về người và tài sản, Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng.

Tuy vậy, hầu hết các trường hợp cây xanh bị gãy đổ rơi vào trường hợp “bất khả kháng”, nạn nhân đều coi đó là rủi ro và tự chịu trách nhiệm. Gần như chưa có trường hợp nào nạn nhân có yêu cầu bồi thường để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân sự cố và được bồi thường theo đúng nghĩa.

Nhưng nếu coi cây xanh là một tài sản Nhà nước, vấn đề sẽ khác.

Thứ nhất, khi cây xanh được coi là tài sản Nhà nước, những ai xâm hại, phá hoại sẽ phải bồi thường theo đúng quy định, chứ không phải chỉ bị xử phạt hành chính như hiện nay.

Thứ hai, nếu cây xanh là tài sản Nhà nước, hệ thống cây xanh đó phải được bảo hiểm giống như bảo hiểm tài sản khác như ô tô. Khi cây xanh được bảo hiểm, nếu chẳng may cây gãy đổ, đơn vị bảo hiểm cây xanh sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những trường hợp bị thiệt hại do cây gãy đổ. Còn như hiện nay, đơn vị quản lý rất khó có căn cứ bồi thường.

---

Bởi thực tế, trước mùa mưa bão hàng năm, các công ty công viên cây xanh đều lập kế hoạch cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế tình trạng gãy đổ, cũng như khuyến cáo người dân không ra đường khi trời mưa gió, nhưng tình trạng cây gãy đổ vẫn xảy ra, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Do vậy, về lâu dài, việc xử lý, khắc phục liên quan đến sự cố cây xanh ngày càng đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, quy định trách nhiệm rõ hơn và bảo hiểm cây xanh là mô hình phù hợp. Nếu có bảo hiểm, khi xảy ra các sự cố liên quan đến cây xanh thì sẽ có những quy định cụ thể trường hợp nào bồi thường, trường hợp nào phải hỗ trợ, mức độ hỗ trợ ra sao… 

Bảo hiểm với cây xanh càng có tác dụng với hệ thống cây xanh được công nhận là Cây di sản. Với hệ thống hơn 5.420 xây di sản trên 54 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng không có đơn vị có chuyên môn nào chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, mà hoàn toàn dựa vào cộng đồng.

Nhưng không phải cộng đồng nào cũng có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc cây di sản. Trong khi đó, cây di sản thường là những cây lâu năm, dễ bị sâu bệnh, thậm chí bị xâm hại, nên nguy cơ gãy đổ càng hiện hữu.

Có thể có ý kiến lo ngại rằng khi mua bảo hiểm cây xanh, đơn vị duy tu cây xanh sẽ ỉ lại, không làm hết trách nhiệm trong việc duy tu chăm sóc, xử lý khiếm khuyết cây xanh vì có bảo hiểm lo.

Tuy vậy, điều này hoàn toàn có thể giải quyết, bởi nếu sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng, cơ quan bảo hiểm sẽ xác định lỗi do sự tắc trách của đơn vị duy tu cây xanh thì đơn vị này vẫn phải chịu trách nhiệm chứ không phải cái gì bảo hiểm cũng chịu. Vì thế trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh vẫn được thực hiện nghiêm túc dù cây xanh có mua bảo hiểm hay không.

--

Nghe thêm Sự việc Góc nhìn trên Apple Podcast.