Thi THPT sau 2025: Cần lưu ý gì?

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4068 phê duyệt Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”.

Theo đó, kỳ thi có mục đích đánh giá  đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh. Đây là một điểm mới trong kỳ thi THPT sắp tới. Vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi này cần lưu ý gì?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với, GS.TS Thái Văn Thành, Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An xung quanh nội dung này.

Ảnh nh họa. Nguồn: chinhphu.vn

PV: Thưa Giáo sư, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT sau năm 2025 với nhiều đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chuẩn bị như thế nào ?

GS.TS Thái Văn Thành: Từ nay cho đến năm 2025, còn 1 năm nữa chúng ta vẫn giữ nguyên hình thức thi này còn từ năm 2025 trở đi, khi chúng ta tổ chức kỳ thi phù hợp với chương trình giáo dục 2018, chúng ta tổ chức một kỳ thi 2 trong 1. Số môn thi tối đa là 4 môn thôi, trong đó 2 môn bắt buộc 2 môn tự chọn để giảm áp lực cho học sinh. 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong các môn học còn lại.

Hình thức thi vẫn giao cho địa phương tổ chức thi còn Bộ chỉ chịu trách nhiệm xây dựng ngân hàng đề thi. Đề thi chung cả nước và Bộ thanh tra, kiểm tra, giám sát thôi, còn vẫn giao cho các địa phương như lâu nay chúng ta được thực hiện trong 8 năm vừa rồi.

Năm nay chúng ta vẫn giữ nguyên giống như những năm trước thì không có vấn đề gì. Còn từ năm 2025 trở đi, hình thức thi đã khác. Chính vì vậy, Bộ đã chuẩn bị từ bây giờ, chúng tôi cho là rất hợp lý. Như vậy, chúng ta còn gần 2 năm nữa để chuẩn bị để triển khai.

Từ 2025 trở đi, chúng ta mới thi theo hình thức mới, như vậy chuẩn bị từ bây giờ để truyên thông cho xã hội, định hướng cho các nhà trường, các nhà giáo, đặc biệt là các cháu học sinh, phụ huynh để chuẩn bị tâm thế và cách thức học tập nhằm đáp ứng được với yêu cầu về hình thức tổ chức thi mới. Tôi cho rất bài bản, rất hợp lý, sâu sắc, rất kỹ càng, cẩn trọng chắc chắn.

Bây giờ sau khi được công bố phương án thi, Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải xây dựng một đội ngũ nhà giáo, các chuyên gia giỏi để xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn bị cho kỳ thi sau 2025, để đảm bảo mặt bằng chung của cả nước.

Tất nhiên, việc này rất khó và đề thi theo phát triển năng lực nên yêu cầu khó hơn nhưng Bộ cũng phải chuẩn bị một cách kỹ càng trên cơ sở xây dựng, tập hợp một đội ngũ chuyên gia, các nhà giáo giỏi để có thể xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta cũng phải thực hiện đảm bảo một bằng để chúng ta phân tích, đối sánh chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia.

PV: Thưa Giáo sư, hiện nay, nhiều quốc gia thành lập những Trung tâm khảo thí và tổ chức cho học sinh thi online. Giáo sư đánh giá như thế nào về tính khả thi của hình thức này đối với nền giáo dục của Việt Nam?

GS.TS Thái Văn Thành: Từ nay cho đến khi 2030, chúng ta cần có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện đảm bảo để sau 2030 trở đi, chúng ta có thể thành lập các Trung tâm khảo thí và khi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu, chúng ta có thể tổ chức thi online. Và khi đó, ngay cả với việc học sinh thi hết môn, chúng ta có thể cấp cho các cháu giấy chứng nhận.

Sau năm 2030, phải có một hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo, trung tâm khảo thí và các điều kiện đảm bảo chặt chẽ để có thể giám sát được chất lượng và tính nghiêm túc khách quan của kì thi.

Khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là đề chung của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giám sát quản lý và giao cho địa phương, phân cấp đến từng nhà trường. Nếu hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo, Trung tâm khảo thí giám sát chất lượng và tính nghiêm túc khách quan của các kì thi của nhà trường. Các cháu có thể thi rải quanh năm, một cháu có thể thi 1-2-3 lần theo nguyện vọng của các cháu.

Tuy nhiên, khi xây dựng hình thức thi này phải có một quy chế để tổ chức thực hiện. Khi chúng ta làm được như vậy, sau 2030 có thể là chúng ta sẽ xét tốt nghiệp.

Với những điều kiện được chuẩn bị kỹ càng, kết quả của các kỳ thì sẽ đảm bảo chất lượng, khách quan và được đưa lên trên cơ sở dữ liệu của Bộ. Các trường ĐH có thể căn cứ vào đó để xem xét kết quả xét tuyển vào trường, đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời giảm áp lực cho học sinh và xã hội. Các kì thi THPT trở nên nhẹ nhàng hơn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu chúng ta đặt ra.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!