Thi khó, giữ khó để nâng cao chất lượng

Xe máy là phương tiện giao thông chiếm đa số tại Việt Nam và việc học luật giao thông, điều khiển phương tiện nhìn chung là dễ dàng hơn nhiều so với xe ô tô. Tuy nhiên, việc có được bằng lái xe máy không khó khiến nhiều người thiếu tôn trọng pháp luật, tiềm ẩn nguy hiểm khi lưu thông.

 

Việc có được bằng lái xe máy không khó khiến nhiều người thiếu tôn trọng pháp luật, tiềm ẩn nguy hiểm khi lưu thông (Ảnh nh họa)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng cần khẳng định ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm,… diễn ra hằng ngày trên đường phố.

Không phải là họ không biết quy định, vì đó là những vi phạm luật giao thông cơ bản nhất, và bản thân người vi phạm cũng biết mình sai, nhưng vẫn cố tình làm.

Điều này cho thấy công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quản lý sau cấp GPLX chưa hiệu quả.

Đầu tiên là công tác đào tạo. Từ thực tế đến đánh giá của các chuyên gia giao thông, những bộ đề thi lý thuyết không hề khó. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn… lười học, dù nhiều ứng dụng của điện thoại di động rất thuận tiện, có mô tả, giải thích cụ thể và dễ hiểu. Một bằng chứng cho việc “lười học” là hàng triệu kết quả “học mẹo thi lý thuyết lái xe” trên công cụ tìm kiếm Google.

Nhiều người không coi trọng kiến thức và kỹ năng lái xe dù đó là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho chính họ. Và khi các học viên không muốn học thì các trung tâm đào tạo cũng chẳng thể ép buộc, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt.

Vậy tại sao nhiều người không coi trọng việc học? Câu trả lời dẫn đến vấn đề thứ hai là sát hạch. Xung quanh chúng ta, hẳn là ai cũng đã từng nghe thấy chuyện “mua bằng”, “bao đậu lý thuyết”,…, và trên thực tế đã có những trường hợp bị phanh phui và xử lý.

Chính vì vậy, học thực chất, thi thực chất là yêu cầu tối quan trọng để tạo nên hiệu quả cho cả việc đào tạo và sát hạch lái xe.

Ngoài sự nh bạch trong khâu đào tạo và sát hạch, chương trình học tập cũng cần tăng cường kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, bởi các tình huống giao thông trong thực tế rất phức tạp và đa dạng, khác xa so với những gì học viên được học tại trường.

Tăng cường tình huống thực tế không chỉ đảm bảo an toàn người điều khiển phương tiện, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về sự cần thiết của các quy định pháp luật được ban hành.

Thứ ba là quản lý GPLX sau sát hạch. Đây là vấn đề khá mới tại Việt Nam, mới chỉ dừng lại ở những đề xuất dù nhiều nước trên thế giới đã thực hiện tính điểm bằng lái.

Khi ấy, người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông nghiêm trọng hoặc nhiều lần sẽ bị hủy GPLX, yêu cầu đào tạo và sát hạch lại, hoặc tước bằng lái vĩnh viễn.

Chế tài xử lý vi phạm giao thông hiện nay ở nước ta đã được sửa đổi nhiều lần, mức phạt hành chính đã tăng lên cao, nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa được cải thiện.

Bởi nhiều người có tâm lý nộp tiền phạt là xong, và lần sau họ vẫn sẽ tái phạm nếu chế tài chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Do vậy, nếu có quy định tính điểm bằng lái thì người tham gia giao thông chắc chắn sẽ e dè hơn trong mỗi lần có ý định vi phạm.

Quy định này sẽ càng phát huy hiệu quả khi việc đào tạo, sát hạch lái xe được siết chặt, và không còn có chuyện ai cũng có thể dễ dàng lấy được bằng lái. Một yêu cầu khác được đặt ra là công tác tuần tra, xử lý của các lực lượng chức năng phải thực hiện thường xuyên và nghiêm nh để tạo sức răn đe, đồng thời phát huy hiệu quả công nghệ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Tổng cục Đường bộ mới đây đã yêu cầu Sở GTVT các tỉnh thành tăng cường giải pháp, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Tuy nhiên, thay vì chỉ chú trọng bằng lái xe ô tô, các địa phương cũng cần có góc nhìn nghiêm túc hơn trong công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô - đối tượng tham gia giao thông đa số tại Việt Nam, tỷ lệ TNGT cao nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện còn nhiều hạn chế./.