Thí điểm đến khi nào?

Nếu không có kế hoạch tổ chức giao thông cụ thể, khi các công trình như Vành đai 2 trên cao, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... đưa vào khai thác, hình thái dòng phương tiện vào nút giao Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi sẽ thay đổi, khi đó có thể thói quen phân làn bước đầu được hình thành sẽ buộc phải thay đổi.

Việc Hà Nội bắt tay phân làn cứng để tách dòng phương tiện trên trục đường rộng nhất Thủ đô, là một bước đi cần thiết trong tổ chức giao thông, hợp với khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi giao thông hỗn hợp được cho là nguyên nhân của ùn tắc và tai nạn.

Sau nhiều lần thất bại trong phân làn, tách dòng trên các tuyến giao thông hơn chục năm qua, lần này Hà Nội triển khai đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Các nút giao trên đoạn đường thí điểm đã được đếm xe, như Ngã tư Sở, Ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.

Công cụ tách làn cũng bố trí linh hoạt, kết hợp cả dải cứng và dải mềm, sẵn sàng giải tỏa giao thông trong trường hợp có sự cố, và tăng dư địa điều chỉnh.

Việc tách làn này cũng có thể là bước chuẩn bị cho các kế hoạch tổ chức giao thông tiếp theo, khi Hà Nội đang đẩy mạnh nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm, nhất là khu vực xung quanh

Song, nhìn vào bước đi của Thành phố trong công tác phân luồng, tổ chức giao thông gần đây, người ta rất khó hình dung một kế hoạch tổng thể của hoạt động này.

Sau khi hoàn thành thi công đường sắt Cát Linh Hà Đông, QL6 đoạn Hà Đông đi Ngã Tư Sở đã trải qua một lần nâng cấp cải tạo, mở rộng làn và thảm lại mặt đường.

Đường sắt đô thị vận hành hồi cuối năm ngoái, Hà Nội tiếp tục điều độ lại xe buýt trên tuyến này để phù hợp với nhu cầu mới. Thành phố cũng dự kiến bố trí xe đạp công cộng dọc tuyến, và có thể cả buýt nhỏ để phục vụ khách đi tàu, trong tương lai không xa.

Cách đây hơn một tháng, điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở mới được phân luồng lại để giảm ách tắc, và vừa kết thúc thí điểm giai đoạn 1 được vài tuần, đang kéo dài thí điểm thêm 3 tháng.

Nhìn vào phương án tách dòng hiện tại, người đi xe đạp chưa thấy chỗ dành cho mình. Bởi khi xe buýt, xe máy dồn vào 2 làn trong cùng, áp lực và rủi ro với người đi xe đạp cũng sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Đặt giả sử sau vài tuần thí điểm, người dân tương đối quen với các đoạn dải phân làn, thì điều gì xảy ra khi kết thúc 3 tháng thí điểm, phương án phân luồng ngã tư Sở sẽ khác đi? Mà điều này rất có khả năng, bởi phương thuốc thí điểm hiệu quả trong 1 tháng đầu, đến tháng thứ 2 đã kém đi hiệu nghiệm.

Lưu lượng phương tiện qua nút Ngã Tư Sở cũng sẽ thay đổi hoàn toàn vào cuối năm nay, nếu đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ về đích đúng hẹn. Lại càng khác nhiều hơn nữa khi đưa vào khai thác cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Với các diễn biến đó của kế hoạch hạ tầng và cả tổ chức giao thông, thì phương án cho đường Nguyễn Trãi hiện tại có thể phải trải qua ít nhất các lần thay đổi sau 2 tháng nữa, 4 tháng nữa và hơn nửa năm sau.

Và đó mới chỉ là biến động của một nút giao phía cuối đoạn phân làn. Ở đầu bên này, ngã tư Thanh Xuân (Nút Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi), tình hình lưu thông cũng sẽ khác đi khi hầm chui Tố Hữu – Lê Văn Lương hoàn thành, và đương nhiên đòi hỏi sự điều chỉnh trên các hướng tuyến đi qua nút.

Thiếu một kế hoạch tổng thể, rõ ràng với các bước đi được tính toán kỹ, được đánh giá tác động, các phương án phân luồng nói chung, tách dòng nói riêng, sẽ luôn đứng trước rủi ro bị sai lệch so với dự kiến ban đầu, và khó đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Điều này chẳng những gây tốn kém rất lớn, mà còn khiến cho các biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông dễ bị “hàm oan”, còn người dân thiếu tin tưởng khi triển khai ở khu vực khác, vào thời điểm khác. Nhất là, khi việc tách dòng đã từng thất bại không ít lần.

Bởi vậy, để thuyết phục người dân và các chuyên gia về tính khả thi của phương án tách dòng lần này trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội nên công bố quy hoạch/ hoặc chí ít là kế hoạch tổng thể tổ chức giao thông trên địa bàn toàn thành phố, với các bước đi, lộ trình và đánh giá tác động.

Đó là dữ liệu cần có để người dân biết các lộn xộn trong vài ngày đầu chỉ là tạm thời, hay nó sẽ lặp đi lặp lại khi vắng bóng lực lượng chức năng; để họ không phải căng mắt căng tai theo dõi các kế hoạch phân luồng sẽ thay đổi liên tục; để họ được trả lời sòng phẳng về thành/bại của mỗi phương án phân luồng, thay vì đặt cho nó một cái tên an toàn là “thí điểm”; và để nguồn lực cho hạ tầng giao thông được sử dụng thật sự thỏa đáng, không lãng phí theo sự thay đổi xoành xoạch của các phương án phân luồng./.