Thi đại học trên 22,5 điểm bị giảm điểm ưu tiên: Đã hợp lý chưa?

Bộ Giáo dục - Đào tạo đang giải quyết sự bất công trong việc cạnh tranh ở các trường top cao, nhưng lại tạo ra một sự bất công mới trong việc tiếp cận điểm ưu tiên.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về việc thay đổi cách tính điểm cộng ưu tiên, dự kiến áp dụng từ năm 2023. Cụ thể, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên, sẽ giảm tuyến tính, tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên sẽ bằng không.

Giải thích về việc này, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, điều chỉnh này sẽ giúp tránh hiện tượng thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt đại học, do phải "nhường chỗ" cho những bạn được cộng điểm ưu tiên. Qua đó giúp tạo công bằng ở nhóm thí sinh điểm cao khi cạnh tranh vào các trường hàng đầu.

Vậy để có cái nhìn rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với thầy giáo Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI (học mãi).

PV: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học sẽ không được cộng tối đa điểm ưu tiên, đạt 30 điểm sẽ không được cộng. Ông có quan điểm như thế nào về quy chế mới này?

Ông Đinh Đức Hiền: Theo tôi thì chưa hợp lý. Việc thay đổi điểm ưu tiên cho những thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên, sẽ giải quyết được hai vấn đề mà những năm tuyển sinh gần đây, đã xảy ra và gây xôn xao trong dư luận. Đó là nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng không đỗ đại học là một, và tình trạng nữa đó là điểm chuẩn trên 30 điểm.

Hai vấn đề này nó xảy ra do thứ nhất, đó là sự phân hóa về mặt đề thi. Thứ hai nữa đó là, khi nhiều thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt đại học, hay là có điểm chuẩn quá 30, thì chúng ta phải xét đến một vấn đề, đó là cái việc đặt nguyện vọng của các thí sinh.

Vậy thì gốc rễ đó là cái cái quá trình hướng nghiệp của chúng ta, bởi vì có hiện tượng nhiều thí sinh đặt hết nguyện vọng vào những trường top đầu.

Bên cạnh đó có điều khiến tôi cũng khá thắc mắc là, cái mức điểm là 22, 5, theo thông tin thì Bộ Giáo dục - Đào tạo căn cứ vào mức điểm của ba năm trở lại đây. Nhưng vấn đề ở chỗ, mức điểm này sẽ bị thay đổi. Khi đề thi phân hóa ở mức khác nhau, thì mức điểm nó sẽ không còn hợp lý nữa.

Thậm chí, bây giờ với tự chủ đại học, các trường có quyền quyết định hình thức tuyển sinh của mình, và hiện nay tỷ lệ dành cho chỉ tiêu điểm thi trung học phổ thông cũng đang ngày càng ít lại ở những trường tốt.

Vậy thì cái ngưỡng điểm này đưa ra liệu đã là hợp lý hay chưa đấy, đó là vấn đề.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, quy chế mới này sẽ tạo thêm bất công trong giáo dục. Ông có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

Ông Đinh Đức Hiền: Bộ Giáo dục - Đào tạo đang giải quyết sự bất công trong việc cạnh tranh ở các trường top cao, nhưng lại tạo ra một sự bất công mới trong việc tiếp cận điểm ưu tiên.

Giả sử như bây giờ có hai thí sinh trong cùng một lớp, các bạn ấy có điều kiện về kinh tế như nhau, điều kiện học tập như nhau, nhưng mà lại có điểm cộng ưu tiên lại khác nhau, bởi do điểm số các bạn ấy đạt được.

Điều này khiến chúng ta thấy rằng, đang có sự mâu thuẫn trong tư duy và cách giải quyết cùng một vấn đề, ở cái việc cộng điểm ưu tiên này.

PV: Vậy trước những điều mà ông cho là chưa hợp lý ở quy chế mới này, ông có đề xuất gì để việc cộng điểm ưu tiên có thể công bằng và hợp lý hơn đối với các thí sinh tham gia tuyển sinh đại học?

Ông Đinh Đức Hiền: Điểm ưu tiên là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, rất cần thiết cho đến tận bây giờ.

Nhưng vấn đề ở chỗ, thứ nhất chúng ta cần phải thay đổi vùng ưu tiên, khu vực ưu tiên. Bởi những cái mà chúng ta áp dụng cho khu vực ưu tiên, đã diễn ra cả chục, hai chục năm nay rồi; cần phải phân chia lại, bởi vì bây giờ sự chênh lệch về điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện giáo dục nó đã có sự đồng đều rất nhiều rồi.

Vấn đề thứ hai đó là, hiện nay các trường đã được tự chủ tuyển sinh vào đại học.

Cho nên tôi nghĩ rằng việc quyết định ưu tiên hay không, chúng ta hãy để dành cho các trường đại học, họ sẽ có cái phương án tốt nhất dành cho trường họ.

Mặt khác, chúng ta cứ loay hoay với cái việc đó là cộng điểm ưu tiên, nhưng thực ra nó chỉ là một phần vấn đề thôi.

Chúng ta cần phải đẩy mạnh cái vấn đề đó là học bổng, chính sách tín dụng đồng hành với sinh viên trong cả cái quá trình mà các bạn ấy học đại học, chứ không phải là chỉ có mỗi cái ưu tiên không.

PV: Xin cảm ơn ông.