Thi công ì ạch: Phạt thôi chưa đủ, cần nhất là năng lực

Các dự án, công trình giao thông có ý nghĩa kéo giảm ùn tắc. Nhất là các dự án được xác định có ý nghĩa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi thời gian thi công nhanh, chất lượng phải đảm bảo tuyệt đối.

Thế nhưng, thực tế nhiều công trình liên tục vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Thiết nghĩ, bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm, việc lựa chọn nhà thầu có năng lực là việc làm cần thiết.

Có đi trên những con đường đang thi công dang dở ở TP.HCM, Hà Nội hay nhiều địa phương khác mới thấy ngán ngẩm và bất bình. Rào chắn thưa thớt; vật liệu xây dựng ngổn ngang, thiết bị máy móc để ê hề. Người qua lại có khi va cả vào công nhân đang thi công. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông khiến bao người bị té ngã, trầy xước; nặng hơn là phải vào viện băng bó.

Lực lượng Thanh tra giao thông đã nhiều lần xử phạt, thậm chí nặng hơn là đình chỉ thi công. Nhưng vụ việc cũng chỉ tạm được khắc phục rồi sau đó đâu lại vào đấy. Người dân bức xúc, chính quyền lên tiếng mà không sao xoay chuyển được tình thế.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi lên là các đơn vị trúng thầu thi công không cầu thị, hoặc năng lực hạn chế; làm ăn không chuyên nghiệp nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn trúng thầu. Nếu cho dừng hẳn thì cũng không biết khi nào mới có đường và cầu để đi. Nên mọi người  cũng đành chấp nhận sống chung với bụi, với đào đường, lầy lội để đi.

Một điều tưởng đơn giản trong thi công cầu đường mà trên con đường cây cầu hiện hữu đang đi thì cần thi công cuốn chiếu.

Tức là làm tới từng đoạn, từng khúc, làm tới đâu được tới đó sẽ đỡ gây cản trở cho người đi đường; có khi vừa ít gây tốn kém vật liệu xây dựng lại đảm bảo cho việc thi công suôn sẻ, thuận lợi.

Cũng có bên lý luận rằng, thi công cầu đường, cần độ trễ về thời gian, vì còn chờ lún để mặt bằng ổn định mới lu lèn, rải đá, thảm nhựa.

Chưa kể, đã làm đường thì liên quan làm lại toàn bộ hệ thống điện nước, cáp ngầm của nhiều bên liên quan nên rất khó xử lý cùng lúc, đồng bộ. Có thể lý do này là chính đáng nhưng nếu khi làm mà rào chắn cẩn thận, tạo ra lối đi mới, không quá bất tiện cho người qua lại thì tạm chấp nhận được.

Hiện trạng lô cốt trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) được quây giữa đường bởi rào chắn dài khoảng 50 m hồi đầu tháng 12/2022 (Ảnh: T.V)

Ngược lại để công trường ngổn ngang, nước chảy lênh láng; người và xe qua lại nguy hiểm thì dứt khoát không thể bao biện. Điều này thể hiện ngay khâu lập dự án, dự toán thi công đã không được tính đúng, tính đủ nên khi triển khai trên thực tế công trình gây nhiều hệ lụy.

Đó là chưa kể, nhà thầu không thể hiện được năng lực quản trị của mình trong suốt quá trình thi công mà vẫn được chủ đầu tư giao việc. Cũng có đơn vị đạt yêu cầu nhưng có thể việc giải ngân, rót vốn chậm nên làm cầm chừng, có đến đâu làm tới đó nên công trình nhiều khi bầy hầy, nhếch nhác theo.

Rõ ràng đã đến lúc, các chủ đầu tư dự án công phải chọn được các nhà thầu thực sự có uy tín, trách nhiệm để giao việc. Muốn trúng thầu thì phải có cam kết bằng văn bản, việc triển khai công trường đúng tiến độ, hạn định; đồng thời vẫn đảm bảo an toàn, thông suốt cho người tham gia giao thông.

Đơn vị nào làm sai sẽ bị xử phạt, nặng hơn thì đình chỉ thi công chờ khắc phục xong mới làm tiếp.

Muốn vậy, chủ đầu tư cũng cần xem lịch sử công ty, lịch sử hành nghề của đơn vị thi công để từ chối các đơn vị làm ăn thiếu chuyên nghiệp, không đủ khả năng hoặc có nhiều tai tiếng trong quá trình triển khai dự án.

Cơ quan quản lý giám sát và chính quyền địa phương nơi có con đường cây cầu đang rào chắn thi công thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử lý đến nơi đến chốn các đơn vị này.

Nhằm lập lại trật tư lưu thông khi xây dựng. Cơ quan quản lý nhà nước, muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; sớm có đường mới cầu mới để phục vụ quốc kế dân sinh cần lắng nghe và hỗ trợ tốt nhất về vốn, điều kiện thi công để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Thi công ì ạch, phạt thôi vẫn chưa đủ, cần nhất vẫn là năng lực thi công thực tế.