Thêm bộ SGK thống nhất của Bộ GD&ĐT: Nên hay không?

Một trong những vấn đề khiến học sinh, giáo viên và cả phụ huynh bối rối thời gian qua là sử dụng sao cho hiệu quả các bộ SGK đang lưu hành theo chương trình mới.

Thế nên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) được yêu cầu nghiên cứu biên soạn ra một bộ SGK thống nhất của nhà nước, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình. Nhưng việc này liệu có khả thi? Và có tạo ra thêm những xáo trộn, thậm chí tốn kém vì để có được 1 bộ SGK cần chi vài trăm tỷ đồng, trong khi chúng ta đang có tới 3 bộ sách?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi cùng bà Nguyễn Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương để có cái nhìn khách quan nhất. 

 

PV: Trước hết về việc Bộ GD & ĐT được yêu cầu nghiên cứu tạo ra bộ SGK của nhà nước theo đề nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, theo bà việc này có cần thiết trong bối cảnh học sinh đã có nhiều bộ SGK?

Bà Nguyễn Việt Nga: Theo tôi việc Bộ GD & ĐT biên soạn một bộ SGK là cần thiết. Thứ nhất là trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đã khẳng định vai trò của Bộ GD & ĐT trong việc biên soạn một bộ SGK.

Thứ hai chúng ta nói rằng hiện đã có nhiều bộ SGK rồi, không cần biên soạn thêm nữa. Thế nhưng theo tinh thần của Nghị quyết 88 và theo tinh thần của việc đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 thì chúng ta không giới hạn có bao nhiêu bộ SGK.

Bởi vì thêm SGK nghĩa là thêm lựa chọn cho các trường. Và thứ ba, dư luận nói chung vẫn rất mong muốn có một bộ SGK của nhà xuất bản Giáo dục.

Ảnh nh họa: baochinhphu.vn

PV: Vâng cần thiết là thế, nhưng tổng chi phí để làm ra 1 bộ SGK là 400 tỷ đồng (đã gồm chi phí đào tạo, tập huấn), làm 3 bộ tốn 1000 tỷ đồng. Chưa kể thời gian triển khai không ngắn. Vậy nếu có thêm 1 bộ SGK của Nhà nước thì liệu công sức nhiều năm qua của chúng ta cùng với ngàn tỷ đồng đã chi có lãng phí, khi mà những bộ sách đó vẫn có sạn, trong khi dư luận thì chỉ mong có được 1 bộ sách thống nhất, dễ học, dễ dạy?

Bà Nguyễn Việt Nga: Là đại biểu Quốc hội 2 khóa thì khi ban hành Nghị quyết 88 đã xác định Bộ GD & ĐT biên soạn một bộ SGK, tôi nhớ rằng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thuyết phục về việc phải có một bộ SGK của Bộ, nhưng sau đấy thì SGK không thể triển khai ngay vì Bộ triển khai sau.

Cho nên tất cả các tác giả đã đứng tên ở các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác làm rồi. Sau này khi các bộ SGK kia biên soạn xong thì Bộ GD & ĐT lại đề nghị là thôi, không biên soạn nữa.

Thế thì theo tôi cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT, lúc thì nói cần thiết, lúc thì lại nói không cần thiết. Một cơ quan tham mưu cho Chính phủ mà quan điểm cũng còn chưa nhất quán. Theo tôi chúng ta nên nhìn sâu vào vấn đề, trước mắt chúng ta bỏ ra 1000 tỉ để biên soạn 3 bộ SGK thì đúng là khoản tiền rất lớn.  Nhưng với những sai sót trong SGK và nếu chúng ta không có được một bộ SGK tương đối chuẩn cho học sinh thì việc chúng ta đi hiệu đính các bộ sách, xử lý những vấn đề của SGK thì nó còn lớn hơn 1.000 tỷ rất là nhiều, thì theo tôi nó không phải lãng phí.

PV: Rõ ràng việc tạo ra nguồn học liệu thống nhất cho học sinh đang luẩn quẩn nhiều năm. Điều học sinh và giáo viên cần là tài liệu hệ thống, nhất quán, phụ huynh thì mong không lãng phí, tốn kém vì phải chọn quá nhiều bộ sách. Vậy bà có đề xuất gì?

Bà Nguyễn Việt Nga: Tôi lưu ý thêm một điều là tránh trường hợp biên soạn cho có, nghĩa là chúng ta đã có nhiều bộ SGK và Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn một bộ nữa thì có thể rơi vào 1 trong 2 tình huống.

Thứ nhất, đối với các cơ sở giáo dục, nếu như mà lười thì có 1 bộ sách của Bộ GD & ĐT thì các cơ sở giáo dục lại không chọn các bộ sách khác nữa, nghĩa là không có khâu chọn SGK để dạy cho phù hợp, mà đã là sách của Bộ Giáo dục biên soạn thì chắc là bộ sách chuẩn nhất rồi.

Thứ hai, bây giờ đã có nhiều bộ SGK rồi, vậy thì cứ biên soạn một bộ và cũng không cần phải đầu tư tìm tòi. Và vừa rồi dư luận và các nhà nghiên cứu cũng đã phản ánh có quá nhiều sạn trong những bộ SGK. Vậy thì cần thiết Bộ GD & ĐT trong quá trình biên soạn phải khắc phục được những hạn chế của các bộ SGK.

Ngay cả việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách là rất cần nhưng không phải là ngay lập tức trong thời điểm này phải làm bằng mọi giá. Chúng ta phải xem xét lộ trình thế nào cho hợp lý. Chuyện huy động kinh phí đã là một câu chuyện rồi nhưng vấn đề là dồn dập ngay lúc này thì đã cần thiết hay chưa, thì tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại.

PV: Xin cảm ơn bà.