Thay đổi cơ cấu phát triển điện, có thể hoàn thành mục tiêu kép

Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và thực hiện các mục tiêu đã đề ra về việc giảm phát thải ròng.

Quy hoạch điện VIII là một cuộc cách mạng, chuyển dịch năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái mới về năng lượng lấy năng lượng tái tạo, hay năng lượng xanh, năng lượng sạch làm trung tâm.

Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và thực hiện các mục tiêu đã đề ra về việc giảm phát thải ròng.

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh nh họa: VTV

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2010 phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính, tăng lên mức 83% vào năm 2020 và dự kiến tăng lên khoảng 86% vào năm 2030.

Còn theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát thải khí nhà kính của riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (điện than) của Việt Nam chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) 26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết này, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm phát thải nhà kính, trong đó có việc ban hành Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 với mục tiêu tổng phát thải các-bon trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp chỉ còn khoảng 185 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) – cân bằng với lượng hấp thụ các-bon đạt được từ lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất.

Trong đó, nhiệm vụ căn bản nhất của lĩnh vực năng lượng là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả,và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII với quan điểm “phát triển điện  phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp’’ thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thực hiện những cam kết giảm đã đưa ra tại COP26.

Quy hoạch điện VIII là một cuộc cách mạng, chuyển dịch năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái mới về năng lượng lấy năng lượng tái tạo, hay năng lượng xanh, năng lượng sạch làm trung tâm.  Cụ thể, cơ cấu nguồn điện đã có sự dịch chuyển về tỷ lệ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và định hướng đạt tỷ lệ năng lương tái tạo lên đến 67,5-71,5% vào năm 2050, trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 20% và giảm xuống 0% vào năm 2050.

Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và thực hiện các mục tiêu đã đề ra về việc giảm phát thải ròng.

Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa bản Quy hoạch điện 8, các chuyên gia cho rằng trước hết cần xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng lĩnh vực điện và từng địa phương.

Trong đó, đưa ra những giải pháp thực hiện chuyển dịch năng lượng, trọng tâm chuyển đổi từ nhiên liên hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới, hạn chế tối đa phát triển những dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu);  Xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo là điều cần thiết.

Song song với đó, cần xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.

Điện là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Đây cũng là ngành có lượng khí phát thải khí nhà kính lớn nhất trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Do vậy, định hướng và lựa chọn đúng và trúng các dự án điện lực  hạn chế sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hay ít gây tác động đến môi trường sẽ là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo  nguồn cung an ninh năng lượng quốc gia, vừa có thể thực hiện các cam kết quốc tế. về giảm khí phát thải nhà kính.