Tháo gỡ từ chính sách

Luật Giao thông đường bộ, Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan đều khẳng định quyền tham gia giao thông giao thông của người khuyết tật.

Tuy vậy, do thiếu các văn bản hướng dẫn, cũng như các chính sách khuyến khích, khiến việc tiếp cận cơ hội tham gia giao thông bình đẳng của người khuyết tật bị hạn chế, không chỉ từ hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, đến phương tiện cá nhân.

 

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người khuyết tật có thể tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, nhưng phương tiện phải được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nôm na là được đăng kiểm, được đăng ký cấp biển số và phù hợp với tình trạng khuyết tật của mình. Nếu các phương tiện giao thông đó cần giấy phép lái xe thì người khuyết tật phải học và được cấp bằng lái.

Tuy vậy, rất ít người khuyết tật có được phương tiện phù hợp với đặc điểm khuyết tật của mình và được đăng kiểm, đăng ký. Đa số người khuyết vận động, đang sử dụng là những chiếc xe máy ba bánh được cải tiến từ xe hai bánh, do các cơ sở cơ khí thực hiện. Rất ít phương tiện xe 3 bánh có đầy đủ hồ sơ để được đăng kiểm theo quy định. Trường hợp có ô tô số tự động phù hợp với người khuyết tật lại càng hiếm.

Hầu hết người khuyết tật sử dụng xe máy cá nhân, xe 3 bánh, nhưng không có giấy phép lái xe (Ảnh nh họa: T.T.D.)

Không có phương tiện phù hợp, đương nhiên, người khuyết tật không thể tiếp cận việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe. Đó là chưa kể, các trung tâm đào tạo lái xe cũng không mặn mà với việc đào tạo lái xe cho nhóm đối tượng này, vì đầu tư xe thì lớn, số lượng học viên thì ít, thầy dạy lái chuyên biệt cũng không có, dẫn đến cơ hội học lái xe cho người khuyết tật càng bị thu hẹp.

Thêm vào đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24 của Bộ Y tế - Bộ GTVT về tiêu chuẩn của người lái xe, những người liệt vận động từ 2 chi trở lên; cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn sẽ không được lái xe hạng A1- hạng điều khiển xe moto 3 bánh dùng cho người khuyết tật.

Không chỉ việc cấp bằng lái, mà việc tham gia giao thông của người khuyết tật cũng còn rất hạn chế. Hiện cả nước chỉ có hơn 1.100 xe buýt sàn thấp, phù hợp với người khuyết tật trong tổng số khoảng 8.500 xe buýt, chiếm 13,3%.

Bởi vậy, thay vì buông lỏng quản lý, chấp nhận tình trạng đa số người khuyết tật vẫn tự điều khiển phương tiện mà không có phương tiện phù hợp, không có bằng lái, cơ quan chức năng cần xem xét lại các quy định, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ và tạo điều kiện cho người khuyết tật được sát hạch, đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông an toàn.

Trước hết, cần xem xét, nới lỏng quy định về sức khỏe người lái xe, cho phép thêm những người khuyết tật được đào tạo lái xe. Chẳng hạn, người cụt một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn vẫn được phép lái xe. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hỗ trợ, người khuyết tật hoàn toàn có thể làm chủ phương tiện giao thông một cách an toàn.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người khuyết tật để tăng cơ hội cho họ học lái xe.

Không có phương tiện phù hợp, đương nhiên, người khuyết tật không thể tiếp cận việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe (Ảnh nh họa: donghanhviet.vn)

Về phía Bộ GTVT, cần có hướng dẫn cụ thể cho cơ quan đăng kiểm, đơn vị thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tạo cơ hội học lái xe cho người khuyết tật. Thậm chí cần đề xuất chính sách hỗ trợ các trung tâm đào tạo trang bị phương tiện đào tạo cho người khuyết tật, thay vì để các trung tâm này “tự bơi”, nên họ thờ ơ với việc đào tạo lái xe cho người khuyết tật.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền người khuyết tật năm 2007, trong đó có các nội dung cơ bản như: bình đẳng về khả năng tiếp cận đối với tòa nhà, đường xá, giao thông, thông tin liên lạc… Đặc biệt, theo Công ước này, các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho người khuyết tật di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể.

Mặc dù các chủ trương, chính sách pháp luật của nước ta đều được xây dựng theo hướng đó, nhưng việc cụ thể hóa để đảm bảo thực thi thì đang còn khoảng cách xa, dẫn đến, người khuyết tật dù có quyền và có khả năng, nhưng phần lớn đang buộc phải lái xe.. ngoài vòng pháp luật.

Bởi vậy, tiếp cận chính sách tuyệt đối phải coi đây là quyền mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm đảm bảo, chứ không phải chiếu cố hay giúp đỡ họ. Đó là sự bình đẳng, là sự tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản của con người, của công dân.