Tham vọng xây dựng siêu cảng trị giá 40 tỷ USD của Singapore

Hiện nay, khi thế giới vẫn đang loay hoay giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới tại Singapore đang xúc đẩy tiến trình hiện đại hóa nhằm cung cấp các giải pháp.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các cảng biển trong 2 năm đại dịch vừa qua và đến nay vẫn đang tiếp diễn, đó là tình trạng thiếu nhân lực ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của cảng.

Do đó, việc tăng cường công suất và tốc độ cho các cảng ngày càng trở nên cấp thiết vì đại dịch đã thay đổi bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hệ thống vận chuyển đã bị phá vỡ do các nhà xuất khẩu ở Châu Á gặp trở ngại trong việc vận chuyển hàng hóa đến khách hàng ở Mỹ và Châu Âu, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay với các vụ đóng cửa do COVID-19 ở Trung Quốc và chiến sự ở Ukraine.

Hiện một trong các dự án được chú ý nhất đó là siêu cảng tự động Tuas tại Singapore. Do nằm ở eo biển Malacca, Singapore là điểm dừng quan trọng và thường xuyên trên các tuyến đường container kết nối các nhà máy ở Châu Á với người tiêu dùng ở Châu Âu. Vì vậy, dự án cảng Tuas vốn đã khởi động từ năm 2012, rất lâu trước khi bắt đầu xảy ra biến động chuỗi cung ứng.

Dự án có tổng mức đầu tư 40 tỷ USD, được chia làm 4 giai đoạn và dự kiến hoàn thiện vào năm 2040. Khi đó, cảng Tuas sẽ có tổng diện tích khoảng 1.337 ha, có khả năng tiếp nhận và xử lý khoảng 65 triệu TEU mỗi năm (1 TEU tương đương một container tiêu chuẩn 20 feet).

Từ cuối năm ngoái, giai đoạn 1 của cảng đã được hoàn tất với diện tích 414 ha, gồm 21 cầu cảng nước sâu có thể tiếp nhận và xử lý 20 triệu TEU mỗi năm. Hiện đã có 1 cầu cảng được sử dụng và dự kiến cầu cảng thứ hai cũng sẽ sớm đi vào hoạt động.

Khi hoàn thiện, siêu cảng Tuas có khả năng tiếp nhận và xử lý khoảng 65 triệu TEU mỗi năm. Đồ họa: MPA

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết siêu cảng Tuas sẽ giúp nâng gấp đôi công suất cảng hàng năm của Singapore, đồng thời thay thế các cảng cũ: “Quy mô của các cảng biển đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh. Dự án cảng Tuas không chỉ đơn giản là xây một cảng biển lớn, mà còn đại diện cho mô hình cảng biển bền vững và hiện đại. Khi hoàn thiện, cảng Tuas sẽ có đủ năng lực để xoay chuyển ngành vận tải thế giới.”.

Bên cạnh khả năng tiếp nhận lượng lớn đơn hàng, tính bền vững và công nghệ hiện đại là trọng tâm của siêu cảng Tuas.

Theo đó, siêu cảng sẽ được trang bị một đội xe điện không người lái để vận chuyển container giữa cầu cảng và sân bãi. Cần trục tự động gắn trên đường ray hoàn toàn chạy bằng điện, sử dụng máy quay và cảm biến laser nhằm đảm bảo độ chính xác, cho phép giám sát từ xa nhiều cần cẩu cùng lúc. Các drone (thiết bị bay không người lái) cũng được đưa vào để chuyển hàng từ bờ vào cảng, đồng thời còn có thể hỗ trợ các nhân viên an ninh.

Những công nghệ như vậy sẽ giúp cảng Tuas bớt đi nỗi lo thiếu nhân lực. Tuy nhiên, Singapore muốn tiến xa hơn khi tích hợp hệ thống thông tin, cho phép theo dõi các đột biến về nhu cầu hàng hóa cho tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng. Cảng cũng sẽ khai thác các công nghệ kỹ thuật số như hệ thống quản lý giao thông tàu biển hiện đại, cổng thông tin một cửa dành cho thông quan cảng… để nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng.

Công trường giai đoạn 1 của cảng Tuas. Ảnh: MPA

Bên cạnh đó, xu hướng cắt giảm thủ tục giấy tờ cũng được triển khai. Đây là 1 trong 7 khu vực trên toàn cầu chấp nhận vận đơn đường biển điện tử, một loại giấy tờ quan trọng phải được xuất trình để hàng hóa có thể được bốc dỡ.

Ông Subramaniam, Trợ lý giám đốc bộ phận giải pháp hàng hóa của PSA, tập đoàn cảng biển hàng đầu tại Singapore chia sẻ: “Trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hệ thống bán tự động, rất nhiều đồng nghiệp, đối tác của chúng tôi đã bị choáng ngợp, gần như bị shock văn hóa vậy. Vì vậy chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để vận động cũng như giúp đỡ để họ bắt kịp những thay đổi đang diễn ra tại Singapore”.

Trở lại với Việt Nam, với phương châm hệ thống hạ tầng cảng biển luôn phát triển trước một bước, trong những năm qua, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn phát triển cảng biển Việt Nam đã góp phần tăng năng lực thông quan hàng hóa và cửa ngõ thông thương giữa các quốc gia.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, giai đoạn tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo quy hoạch thông qua các hình thức đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật. Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư lớn, đảm bảo phát triển cảng biển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, không đầu tư phân tán nhỏ lẻ tại các cảng biển, khu bến có quy mô lớn.