Thẩm định ATGT trên cao tốc: Thiếu cơ sở pháp lý và thiếu chi phí

VOVGT-Việc thẩm định ATGT tại các tuyến cao tốc bị chậm trễ còn bắt nguồn từ việc thiếu quy định cụ thể, chế tài xử lý các dự án không thực hiện thẩm định ATGT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Lý giải về việc chậm thực hiện thẩm định ATGT đối với hệ thống cao tốc dù tác dụng của công tác này đã được khẳng định, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2001 đã đưa ra các quy định về công tác thẩm tra, thẩm định ATGT đường bộ. Sau đó, Bộ GTVT cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ, song những văn bản quy định về công tác thẩm định ATGT lại không rõ ràng. Do vậy, công tác thẩm tra, thẩm định đường bộ hầu như chưa được tiến hành.

Phải đến năm 2008, sau khi sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT mới tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn về công tác thẩm định ATGT đường bộ. Và việc thẩm định ATGT đường bộ chỉ thực sự được thực hiện từ năm 2015, sau khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 50 hướng dẫn thực hiện quy định về bảo vệ kết cấu đường bộ. Chính lỗ hổng về cơ chế chính sách này khiến công tác thẩm định ATGT thực hiện chậm trễ.

TS Vũ Hoài Nam nói: "Trong khoảng 7 năm đó, tôi cho rằng chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc thẩm tra an toàn giao thông. Trước đó, chúng ta chỉ nhìn vào thiết kế, thấy đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật tức là ổn chứ chưa nhìn thấy cái nhức nhối".

 

Ông Đào Huy Hoàng, Phó trưởng tiểu ban ATGT Việt Nam cho biết, quy định bắt buộc các dự án đường cao tốc dạng BOT phải thẩm tra ATGT trước khi khai thác mới chỉ áp dụng cách đây khoảng 2 năm. Còn trong giai đoạn trước đó, việc thẩm định, thẩm tra ATGT phụ thuộc vào quyết định của Bộ GTVT và chủ đầu tư chứ chưa có văn bản quy định bắt buộc phải thực hiện.

"Thời điểm đó, văn bản đã ra nhưng công tác thẩm tra, thẩm định trên nhiều tuyến đường chưa được tiến hành, chỉ có một vài dự án con có yếu tố tư vấn từ nước ngoài mới có", ông Đào Huy Hoàng nói.

 

Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đoạn chạy qua Cảng hàng không quốc tế T2. Ảnh: Kinh tế đô thị

Bên cạnh những lỗ hổng về mặt pháp lý, theo ông Hoàng, việc chậm thực hiện công tác thẩm định ATGT đường bộ nói chung và hệ thống cao tốc nói riêng còn bắt nguồn từ sự thiếu kinh phí cho công tác này. Ông Hoàng cho rằng, hiện công tác thẩm tra ATGT đang bị gộp cùng với việc thẩm tra an toàn trong giai đoạn thiết kế, dẫn tới tình trạng thiếu kinh phí cho cả 2 công tác thẩm tra này. Cũng từ việc thiếu kinh phí nhiều khả năng sẽ dẫn tới việc cản trở hoạt động của các tổ chức tư vấn, khiến ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định, từ đó giảm mức độ an toàn của các dự án đang được thẩm định.

Về điều này, ông Hoàng chia sẻ: "Chẳng hạn như giai đoạn thiết kế kĩ thuật, bản vẽ thì đang gộp phần công tác thẩm tra giao thông, thẩm tra thiết kế cùng 1 gói. Lí do này sẽ có thể gây ra một số hạn chế nhất định về công tác thẩm tra ATGT".

 

Ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm ATGT, Viện chiến lược phát triển GTVT, cũng cho rằng kinh phí cho việc thẩm tra tại các dự án đường bộ là một trong những cản trở lớn đối với công tác thẩm tra, thẩm định ATGT cao tốc. Hiện tại, các nước phát triển, tiền công chi trả cho các chuyên gia thẩm định được tính theo % dự án. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần kinh phí này lại được chi trả theo ngày công chuyên gia, nhưng cũng chưa có quy định về định mức cụ thể.

Ông Đạt nói: "Ví dụ anh thẩm định đường cấp 3, 1km là bao nhiêu công, nhưng hiện không có định mức, mà tính theo chi phí ngày công nên rất khó khăn. Vì chưa có định mức nên phải phụ thuộc vào tư vấn lập đề cương khối lượng công việc, sau đó chủ đầu tư xem xét, phê duyệt".

 

Rõ ràng việc thiếu kinh phí cho công tác thẩm định ATGT có một phần không nhỏ bắt nguồn từ ý thức của chủ đầu tư khi nhận thức của họ về hiệu quả của việc thẩm định ATGT chưa đầy đủ nên không ít dự án bỏ qua công đoạn này. Thậm chí, nếu thiếu sự giám sát của Bộ GTVT và các cơ quan chức năng, rất dễ xảy ra tình trạng chủ đầu tư các công trình làm không thực chất nhằm hoàn tất thủ tục.

Sau 2 năm chính thức yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án và sau gần 20 năm ban hành quy định đầu tiên về việc thẩm định ATGT đường bộ, đến nay vẫn còn 4/13 dự án cao tốc chưa 1 lần thực hiện thẩm định ATGT. Vậy, Bộ GTVT cần có động thái gì để thúc đẩy việc thực hiện thẩm định ATGT đối với các dự án đường bộ, cao tốc trước khi đưa vào khai thác? Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo.