Thẩm định ATGT trên cao tốc: Đâu là giải pháp hiệu quả?

VOVGT - Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng cần làm gì để việc thẩm định ATGT không chỉ trên hệ thống cao tốc được thực hiện một cách thực chất?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho rằng, những dự án đường bộ được phê duyệt sau năm 2015 đều quy định rất chi tiết về việc thẩm định ATGT từ quá trình thiết kế, thi công và trước khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, ông Thạch cũng thừa nhận, với những dự án được đưa vào sử dụng trước năm 2015 thì vẫn chưa có chế tài cụ thể.

Từ thực tế này, ông Đào Huy Hoàng, Phó trưởng tiểu ban ATGT Việt Nam cho biết, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về công tác thẩm định ATGT, nhất là việc quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị thực hiện dự án. Theo ông Hoàng, hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa “Thẩm định ATGT” và “Xử lý điểm đen ATGT”.

Ông Hoàng nói: "Thẩm tra ATGT hiện nay cũng cần tiến hành bài bản trên toàn bộ dự án đang khai thác, chứ không thể đợi xảy ra tai nạn mới xử lý, đánh giá. Như thế sẽ gọi là đánh giá điểm đen chứ không còn là “thẩm tra ATGT” nữa, phải thực hiện từ sớm. Trong thẩm tra, thẩm định ATGT, thẩm tra là chủ động phòng ngừa, xử lý điểm đen gọi là đối phó".

 

Cũng theo ông Hoàng, các dự án đường bộ hiện nay thường thành lập gói “ATGT trong dự án”, trong đó tách 2 phần riêng biệt là thẩm tra giai đoạn thiết kế kĩ thuật và thẩm tra ATGT trước khi bàn giao. Thực tế triển khai giữa 2 phần này vẫn còn rất nhiều bất cập, có thể sẽ có 2 nhóm chuyên gia khác nhau làm 2 phần này dẫn đến sự thiếu nhất quán, chưa kể đến vấn đề thiếu kinh phí cho 2 giai đoạn thẩm tra này.

Do đó, ông Hoàng kiến nghị nên gộp chung cả 2 gói thẩm tra vào làm một để một nhóm chuyên gia hoặc một tổ chức thẩm tra sẽ có thể theo dõi, bao quát toàn bộ dự án để có cái nhìn cũng như giải pháp tốt nhất:

"Để xem xét hết các vấn đề giao thông thì cần xem toàn bộ hồ sơ dự án. Nếu làm riêng theo gói thì việc thẩm tra ATGT hiện nay chưa đủ để đánh giá hết toàn bộ tuyến đường của dự án", ông Hoàng nói.

 

Ông Trương Tiến Dũng, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, để việc thẩm tra ATGT đường bộ thực hiện một cách hiệu quả, cần có hướng dẫn riêng cho công tác thẩm định ATGT đối với hệ thống cao tốc. Đồng thời, cần có đội ngũ thẩm tra, với tư duy khách quan, để tìm ra những nguyên nhân gây mất ATGT hay cảnh báo trước những bất cập có thể xảy ra.

PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn Đường ô tô và Đường đô thị, Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay có nhiều đơn vị, cơ quan đang bắt đầu tham gia vào công tác thẩm tra ATGT. Tuy nhiên, cần đánh giá năng lực của các đơn vị này một cách khách quan để lựa chọn những người tốt nhất cho ngành.

PGS.TS Vũ Hoài Nam cho biết: "Phần lớn các nước, công tác thẩm tra được thực hiện bởi các đội chuyên nghiệp. Ở Việt Nam thì cần các đội có tính chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên sâu về thẩm tra ATGT chứ không chỉ là một số người học thiết kế, xong được học thêm, lấy chứng chỉ rồi đi làm, thậm chí, có người chưa đi làm thực tế bao giờ. Do đó, công tác đào tạo nhân lực cần được đẩy mạnh".

 

Để có được đội ngũ thẩm tra viên mạnh cả về chất lượng và số lượng thì công tác đào tạo cần phải được quan tâm và chú ý hơn. TS Vũ Hoài Nam cho biết, từ năm 2008 đến nay, cả nước mới đào tạo được khoảng 700 thẩm định viên. Nếu so với số km đường, số dự án giao thông triển khai hàng năm thì con số này còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, chương trình giảng dạy, đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề cũng cần thay đổi, bởi chương trình giảng dạy hiện tại dựa trên một dự án nước ngoài chuyển đổi vào Việt Nam nên chưa sát với thực tiễn Việt Nam.

Hiệu quả của công tác thẩm định ATGT đã được khẳng định. Vấn đề là Bộ GTVT cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, quy định cụ thể về định mức chi phí thẩm định ATGT trong từng dự án. Đặc biệt, Bộ GTVT cần thực hiện được vai trò hiện giám sát và có chế tài xử lý với các chủ đầu tư dự án không chấp hành quy định về việc thẩm định ATGT không chỉ với hệ thống cao tốc, mà cả hệ thống đường bộ nói chung.