Tắt động cơ khi dừng đèn đỏ để giảm ô nhiễm

Nhằm kéo giảm tình trạng ô nhiễm không khí, chính quyền Thủ đô New Delhi, Ấn Độ tìm giải pháp thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông, ngay từ những hành động nhỏ nhất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các phương tiện đi trong làn khói bụi ô nhiễm ở New Delhi, Ấn Độ - Ảnh REUTERS

Ngạt thở vì khí thải và khói bụi, hai chân mỏi nhừ do phải đứng liên tục quá lâu, song những ngày gần đây, Rihana Saif, 22 tuổi, vẫn ‘bám trụ’ hàng giờ đồng hồ tại một nút giao thông ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Mỗi khi các phương tiện dừng chờ đèn đỏ, chàng thanh niên lại giơ cao tấm biển bằng bìa các-tông, gắn trên một thanh tre nhỏ, kêu gọi tài xế tắt máy. Rihana Saif chia sẻ: “Đôi khi tôi cảm thấy mắt mình cay xè vì đứng trong không khí ô nhiễm quá lâu”.

Saif chỉ là một trong hơn 2.000 nhân viên thuộc lực lượng dân phòng ở Delhi, triển khai theo Chiến dịch Cải thiện môi trường không khí thành phố. Mỗi nhân viên được trả lương tháng khoảng 300 USD.

Nhiệm vụ của họ là có mặt tại tất cả các khu vực đèn tín hiệu giao thông vào giờ cao điểm. Khi có tín hiệu đèn đỏ, những nhân viên này sẽ giơ cao tấm biển mang khẩu hiệu “Dừng đèn đỏ hãy tắt động cơ xe” để thu hút sự chú ý của tài xế. Họ cũng được yêu cầu tuyên truyền để người tham gia giao thông biết, hành động “Tắt máy”  không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu mà còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Chính quyền Delhi cho biết, chiến dịch nâng cao ý thức tài xế triển khai cả trong những khu vực cách ly Covid-19. Dù nhà chức trách kỳ vọng chương trình có thể kéo giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô, song nhiều người dân vẫn tỏ ra hoài nghi. Ông Rathur, một tài xế 62 tuổi bày tỏ: “Thật lãng phí tiền của người dân. Tôi thấy không có gì khác biệt cả”

Rõ ràng, việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sống không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần cả một chặng đường dài. Trong khi đó, Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang phải đối mặt với đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang phải đối mặt với đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây

Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, kết hợp với khí thải nhà máy,  khói bụi từ các công trường xây dựng và nông dân đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Tình trạng này thường gây ra những đám mây khí thải bao trùm thủ đô trong nhiều giờ.

Dữ liệu cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tổng thể của Delhi, bao gồm hàm lượng bụi mịn PM2.5 thường duy trì ở mức 400 trên thang điểm 500. Theo các bác sĩ, bụi PM2.5 cực nhỏ, là sát thủ vô hình đối với con người, có thể gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư phổi. Chúng cũng đặc biệt nguy hiểm đối với những bệnh nhân đang mắc Covid-19.

Theo một nghiên cứu, mức độ ô nhiễm không khí ở Delhi cao gấp 8 lần giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Ngoài chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về việc tắt máy động cơ, nhà chức trách cũng đang thử nghiệm súng phun sương trong không khí, với hy vọng giảm thiểu các đám mây bụi độc hại.

Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam bán ra hơn 3,2 triệu xe máy và 400.000 ô tô. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, khi dừng đèn đỏ, nếu tắt máy động cơ từ 15 giây sẽ tiết kiệm được lượng xăng khá lớn, từ đó bảo vệ môi trường sống. Cụ thể, khi tắt máy, lượng khí CO sẽ giảm 2,3 lần, khí CO2 giảm 4 lần so với khi để chế độ chạy không tải, từ đó lượng xăng tiết kiệm được tới 5,5 lần.

Thời gian qua, Chương trình “Tắt động cơ xe khi dừng đèn đỏ” cũng là một trong những hoạt động thường niên hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái Đất, được triển khai rộng khắp tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước, thu hút nhiều bạn trẻ là thanh niên, sinh viên tình nguyện.

Bạn Nguyễn Thị Mây, sinh viên năm 3 Đại học Hà Nội chia sẻ: “Chúng em muốn góp một phần nhỏ sức mình vào việc bảo vệ môi trường sống. Lúc đầu tham gia chương trình khá ngại và mệt nhưng khi thấy nhiều người tham gia giao thông hưởng ứng tắt máy mỗi khi dừng đèn đỏ bọn em rất vui. Em thấy đây là hoạt động thiết thực và rất ý nghĩa”.