Tăng cường giải tỏa áp lực ở các nút giao thông trọng điểm

VOVGT- Áp lực giao thông và yếu tố thời tiết không thuận lợi khiến tình trạng ùn tắc diễn ra không chỉ trong giờ cao điểm mà còn các khung giờ khác...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thời điểm cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao (Ảnh: Dân trí)

Thời điểm từ nay đến Tết Âm lịch Mâu Tuất, mật độ giao thông trên địa bàn Thủ đô đã tăng cao, việc đi lại được dự báo là sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô tăng cao bởi các hoạt động mua sắm, thăm hỏi mà còn bởi có số lượng lớn xe của các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội hoặc đi qua thành phố. Các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố sẽ phải chịu thêm áp lực và nguy cơ xảy ra ùn tắc vào bất kỳ lúc nào. Phóng viên kênh VOV Giao thông đã ghi nhận một số phản ánh của người dân về tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày này:

 

# “Hiện nay có những lúc ùn tắc giao thông kéo quá dài nên việc thoát khỏi điểm ùn tắc mất rất nhiều thời gian, có những thời điểm chờ tới 30 phút mới qua được một điểm giao thông. Càng về cuối năm thì tình trạng này càng kinh khủng hơn”.

# “Cuối năm thì bao giờ áp lực giao thông cũng tăng rất cao mà người dân mình đa số nôn nóng, không chịu nhường nhịn, mà khi đã nôn nóng thì rất dễ di chuyển lộn xộn và ùn tắc tại nhiều điểm nút giao thông là khó tránh khỏi”

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP Hà Nội đã lên kế hoạch cao điểm triển khai các biện pháp nhằm kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài để phục vụ nhu cầu đi lại, vận tải hành khách, hàng hoá của nhân dân trong dịp cuối năm.

Để giảm ùn tắc giao thông bền vững ở Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược (Ảnh: Báo Nhân dân)

Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội cho biết cụ thể về nội dung này: “Chúng tôi bố trí lực lượng để kịp thời giải tỏa ùn tắc và tuần tra kiếm soát lưu động để xử lý nghiêm các xe dừng đỗ trái qui định. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Một biện pháp nữa, đó là chúng tôi phối hợp với Sở GTVT tiến hành khảo sát, có phương án về tổ chức giao thông hợp lý với những tuyến đường, làm sao lấy lưu lượng đi lại của nhân dân làm hạt nhân trong qui hoạch".

 

Cùng với đó, để chuẩn bị cho Thủ đô bước vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2018 với đường thông, hè thoáng, phong quang sạch đẹp, thời điểm này, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị, địa phương liên quan đã bắt đầu công tác chỉnh trang đô thị. Trong đó, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP Hà Nội thành lập Tổ Công tác liên ngành, tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hè đường để kinh doanh, dừng đỗ phương tiện gây cản trở giao thông.

Tổ Công tác hiện đang đẩy mạnh xử lý vi phạm, đặc biệt là trên địa bàn các quận trung tâm và sẽ còn duy trì cho đến hết ngày 30/3/2018. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thêm, Sở đã yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông tăng cường tuần đường, rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng, đảm bảo mặt đường êm thuận trên toàn Thành phố.

>>>Tăng cường xử lý vi phạm dừng đỗ gây ùn tắc giao thông dịp cuối năm

Đồng thời, Sở cũng đã đề nghị các địa phương phối hợp thu dọn và ngăn chặn hiện tượng đổ trộm rác, phế thải, giữ gìn vệ sinh môi trường và văn nh đô thị trên đường phố. Duy trì chế độ an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường đối với 37 hầm và 33 cầu vượt dành cho người đi bộ.

Những giải pháp vừa nêu nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố dịp cuối năm, Về lâu dài, để giảm ùn tắc giao thông bền vững ở Hà Nội cần nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược. Song song với những biện pháp từ lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, các quận, huyện, thị xã cũng cần quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng tham gia hướng dẫn, điều tiết giao thông nhằm góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, nguyên trưởng bộ môn Vận tải đường bộ, trường ĐH GTVT nêu ý kiến đóng góp: “Chúng tôi cho rằng việc giải quyết ùn tắc giao thông trong thành phố là nhiệm vụ của tất cả các thành phần, lực lượng, đoàn thể, cũng như sự đồng tình của người dân thì lúc đấy hiệu quả mới cao được; cũng như có sự chuẩn bị đồng bộ trước lúc ban hành chính sách mang tầm phổ biến lớn”.

 

Theo lực lượng CSGT và thanh tra giao thông những biện pháp giải tỏa giao thông vừa nêu chỉ là những biện pháp mang tính chất tình thế, vấn đề lâu dài là chính quyền thành phố cần có các giải pháp quy hoạch hợp lý và tổng thể hơn, quan trọng nhất là nghiên cứu phân bổ dân cư hợp lý đối với các khu vực, tiến tới giảm dần sự quá tải của hạ tầng giao thông tại các nút giao, giảm áp lực cho người dân tham gia giao thông trong thời gian tới.

>>>Hà Nội ra quân xử lý vi phạm trật tự ATGT những tháng cuối năm