Tài xế xe tải bất bình vì sự thiếu linh hoạt trong quy định phòng dịch

Australia là một trong những quốc gia đang hứng chịu COVID-19, đã phải phong tỏa nhiều địa phương, tuy nhiên lại chưa đưa ra những chính sách phù hợp, ảnh hưởng không nhỏ tới những tài xế container.

Tắc nghẽn tại một lối vào bang Queensland, Úc do tài xế xe tải đình công. Ảnh: Canberra Times
 

Hơn một nửa dân số Australia được đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt khi hai thành phố lớn nhất nước này là Sydney và Melbourne cùng với thủ đô Canberra bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra.

Để ngăn ngừa dịch bệnh từ các “vùng đỏ” lan rộng, một số nơi như bang Queensland bắt buộc các cá nhân và chủ phương tiện đi từ “vùng đỏ” tới bang này sẽ phải thực hiện test PCR. Giống thời điểm Việt Nam mới bắt đầu thực hiện “luồng xanh”, kết quả PCR chỉ có hiệu lực trong vòng 72h. Còn tại bang New South Wales, chỉ có những người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, hoặc có giấy chứng nhận y tế rằng thể trạng của họ chưa thể tiêm vaccine, thì mới được ra đường. 

Những quy định này đã gây không ít phiền toái cho các tài xế, phương tiện, nhất là xe tải – phương tiện vận tải chủ yếu tại xứ sở chuột túi. Romeo Georges, một tài xế xe tải bức xúc: “Australia hoạt động nhờ những người tài xế xe tải như chúng tôi. Nếu chúng tôi không thể di chuyển thì đất nước này cũng vậy”.

Vận tải đường bộ giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Australia. Trên thực tế, ngành vận tải đường bộ nước này vượt trội hơn hẳn so với vận tải hàng không, đường sắt hay đường thủy với nhiều lợi thế như độ tiện lợi, giá cả cạnh tranh. Theo báo cáo năm 2020, vận tải đường bộ có hơn 43 nghìn doanh nghiệp, chưa tính tới các cá nhân hoạt động độc lập, với hơn 190 nghìn lao động và tạo ra hơn 54 tỷ USD doanh thu. Có thể nói, hầu hết các mặt hàng, bao gồm cả nhu yếu phẩm, đều được vận chuyển khắp đất nước trên những chiếc xe tải.

Tuy nhiên, chiến lược phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh đã ảnh hưởng tới lĩnh vực này. Theo đài ABC, tại các trạm kiểm dịch trên các lối cao tốc vào các bang như New South Wales hay Queensland, phương tiện phải chờ hàng tiếng đồng hồ. Chưa kể tới việc, lần tiếp theo qua trạm kiểm dịch, sẽ phải test một lần nữa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và thu nhập của các tài xế xe tải.

Quá bất bình trước tình trạng này, một số nhóm tài xế xe tải đã đình công: “Cuộc chiến đòi quyền lợi đã chính thức bắt đầu. Mọi người nên chạy ra siêu thị và tích trữ thực phẩm đi, vì chúng tôi sẽ khiến cả đất nước này ngừng hoạt động”.

Để không làm đứt gãy chuỗi vận tải, Toll Group, tập đoàn vận tải lớn nhất của Australia phải thuê các tài xế xe tải độc lập vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với Công đoàn để tìm ra phương án hỗ trợ các tài xế.

Còn giới chức các bang cũng cảnh báo việc tụ tập phản đối có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trên thực tế, đã có 2 tài xế xe tải dương tính với virus Sars-CoV-2 hôm 28/8 tại bang Tây Australia. Được biết 2 tài xế này đều đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất

Thủ hiến bang, ông Mark McGowan cho biết thêm: “Hiện 2 tài xế này đang được cách ly và điều trị bởi các chuyên gia y tế tại một khách sạn của bang. Qua truy vết, chúng tôi cũng xác định được 20 F1. Những người này hiện cũng đã được yêu cầu cách ly tại nhà”.

Trong khi đó, theo hiệp hội vận tải đường bộ quốc gia Australia, việc cải thiện công tác xét nghiệm và rút ngắn thời gian trả kết quả cho các tài xế là việc vô cùng cần thiết, để đảm bảo cho việc đi lại của các tài xế. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần có niềm tin rằng, các tài xế không phải là nguồn lây lan dịch bệnh.

Xe tải đóng vai trò quan trọng với ngành vận tải hàng hóa tại Australia: Ảnh: News.com.au

Còn tại Việt Nam, có thể thấy thời gian đầu thực hiện luồng xanh vận tải, các doanh nghiệp cũng vấp phải tình trạng khó xử trước quy định tài xế lưu thông qua các tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, trong khi kết quả xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 72h. 

Nhưng tới nay, trước sự vào cuộc của chính phủ, các cơ quan chức năng, các phương tiện thuộc luồng xanh đã trở nên dễ dàng hơn khi vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu. Tuy nhiên, vẫn cần cẩn trọng với nạn giấy tờ giả, thậm chí là mua giấy đi đường.

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ôtô sụt giảm từ 70 - 80% so với trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Trong khi đó, vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao. Nhiều đơn vị, cá nhân đã tính đến phương án bán xe để trả nợ, bởi càng cầm cự sẽ càng lỗ nặng; thậm chí, có đơn vị phải dừng hoạt động.

Đề cập đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, thời gian tới, sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay... Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% hoặc 0% đến hết năm nay đối với ngành kinh doanh vận tải bằng xe ô tô./.