Tai nạn xe buýt do tài xế đối mặt với áp lực đúng giờ hơn an toàn

Hàn Quốc vốn nổi tiếng với nền văn hóa “ppalli – ppalli” (nghĩa là “nhanh lên”), giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Thế nhưng, chính thói quen này đã gây ra hàng nghìn vụ tai nạn xe buýt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Chiếc xe buýt băng qua lối đi dành cho người đi bộ ở Seoul. Ảnh: Shutterstock

Tháng 1 vừa qua, Hàn Quốc chấn động trước vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của một cô gái 21 tuổi. Kim Jung Eun, một hành khách xe buýt vừa bước xuống xe thì không may kẹt tay ở cửa, bị kéo lê hơn 10m và bị một chiếc xe khác cán qua người.

Tài xế xe buýt bị buộc tội vô tình giết người do sơ suất chuyên môn.

“Nếu tài xế chắc chắn rằng hành khách đã xuống xe hoặc chỉ đợi trong ba giây, thì đã không xảy ra một cái chết thương tâm và không đáng có như vậy”, anh trai của Kim viết như vậy trong bản kiến nghị yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn, đồng thời áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với các vụ tai nạn xe buýt. Bản kiến nghị đã thu hút được hơn 35.500 chữ ký.

Luật sư Jung Kyung-il cho biết, hình phạt với các tài xế xe buýt chạy ẩu dẫn đến tai nạn tử vong thường chỉ là một án tù vài năm, thậm chí đôi khi chỉ phạt hành chính. Theo luật hiện hành, người lái xe buýt trong vụ việc trên chỉ phải đối mặt với án tù tối đa 5 năm hoặc mức phạt tối đa 20 triệu won (17.500 USD).

Hành khách chờ xe buýt ở thành phố Paju, nơi hành khách 21 tuổi Kim Jung eun thiệt mạng trước đó. Ảnh: David D. Lee

Cái chết của Kim đã tạo ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về văn hóa 'ppalli-ppalli' (nghĩa là “nhanh lên, nhanh lên” trong tiếng Hàn) rằng động lực từng thúc đẩy Hàn Quốc phát triển thần kỳ cũng có mặt trái.

Vụ tai nạn của Kim một lần nữa dấy lên thực trạng báo động về sự gấp gáp, bất cẩn, phóng nhanh, phanh gấp của xe buýt, không màng đến sự an toàn của hành khách. Mặc dù được khuyến cáo chỉ đứng dậy sau khi xe buýt dừng hẳn, nhưng đa số vẫn bước ra cửa trong khi xe đang chạy, vì tài xế không cho họ nhiều thời gian.

Breda Lund, một người Mỹ đang sinh sống tại Hàn Quốc chia sẻ: ““Nhanh lên, nhanh lên” là những từ đầu tiên mà người nước ngoài được học khi đến Hàn Quốc và sau một thời gian ở đây, tôi nhận thấy đây chính là nền văn hóa,  ai cũng vội vã và thiếu kiên nhẫn. Khi đứng đợi ở bến xe buýt, tôi có cảm giác nhiều người luôn trong tư thế sẵn sàng chạy thật nhanh, ngay cả khi xe còn chưa dừng hẳn. Điều đó thật nguy hiểm”.

Văn hóa 'ppalli-ppalli' (nghĩa là “nhanh lên, nhanh lên” trong tiếng Hàn) rằng động lực từng thúc đẩy Hàn Quốc phát triển thần kỳ cũng có mặt trái. Ảnh: Getty 

Han Sang-jin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Giao thông Hàn Quốc, cho biết hầu hết tài xế đều tăng tốc ngay sau khi hành khách lên hoặc vừa bước xuống xe.

Có thể kể đến vụ việc năm 2017 khi áo khoác của một phụ nữ bị kẹt vào cửa xe buýt khi bước xuống, bị kéo lê trên đường. May mắn, người này chỉ bị thương ngoài da. Chỉ sau khi nạn nhân làm đơn khiếu nại, công ty mới thừa nhận lỗi do tài xế và người này nộp phạt do lái xe bất cẩn.

Tiếp đó, vào tháng 12/2019, một học sinh trung học ở Jinju, tỉnh Nam Gyeongsang vừa lên thì chiếc xe đột ngột tăng tốc, rồi rơi vào một vụ tai nạn liên hoàn; khiến học sinh này gãy cổ dẫn đến bị liệt.

Cơ quan Người tiêu dùng chỉ ra rằng hơn một nửa số vụ tai nạn do phanh gấp, 13% do cửa xe đóng sớm và 9% do chạy quá tốc độ. Còn theo số liệu của cảnh sát, 60% vụ tai nạn xe buýt trong năm 2019 do “lái xe không an toàn” và 10% số vụ không giữ khoảng cách an toàn.

Những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành cho biết các tài xế phải đối mặt với áp lực đúng giờ nhiều hơn là an toàn.

60% vụ tai nạn xe buýt trong năm 2019 do “lái xe không an toàn” và 10% số vụ không giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Getty

Khi số vụ tai nạn gia tăng, nhiều người kêu gọi thay đổi văn hóa ppalli-ppalli. Ông Han thuộc Viện Giao thông vận tải cho biết: Trước đây, nhiều tài xế làm việc hai ngày liên tục, nhưng giờ đây, họ làm việc 8-9 giờ một ngày theo ca ngày hoặc ca đêm. Và thói quen lái xe quá khích dường như đã giảm đi một chút.

Về vấn đề này, Giáo sư Song Se Ryeon của Đại học Kyung Hee có quan điểm: “Chế độ làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần  được thực hiện từ năm 2018, nhưng ngành xe buýt được trì hoãn tới hơn 1 năm. Hàn Quốc vốn nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài và căng thẳng; do đó, chính sách này là cần thiết nhằm giảm tình trạng làm việc quá sức, giúp nâng cao chất lượng công việc”.

Còn tại Việt Nam, một vụ tai nạn xe buýt đáng tiếc đã xảy ra vào khoảng hơn 6h sáng ngày 8/4 vừa qua. Theo đó, chiếc xe bus số 14 chạy tuyến Bờ Hồ - Cổ Nhuế đang chạy trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), khi tới trước cổng khu đô thị Ciputra, chiếc xe buýt quay đầu thì bất ngờ mất phanh, lao lên vỉa vè rồi tông trúng nam thanh niên đang đi bộ khiến nạn nhân tử vong.

Cùng ngày, tại TPHCM, trong quá trình dừng đón khách điểm dừng chờ xe buýt chợ Thủ Đức, đường Kha Vạn Cân, Trường Thọ, TP Thủ Đức, một nữ nhân viên làm việc trên tuyến xe buýt số 8 chạy tuyến Bến xe Quận 8- Đại học Quốc Gia bị tố từ chối phục vụ hành khách khuyết tật.

Liên quan đến sự việc này, ông Võ Trọng Nhân (Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM) cho biết hiện trung tâm đã yêu cầu nhân viên này làm giải trình và liên hệ với người phản ánh, cùng hành khách khuyết tật để lắng nghe từ 2 phía.

Những vụ việc đáng tiếc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trước tình trạng nhân viên xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn, có thái độ phục vụ không tốt với hành khách gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây.