Tái cơ cấu đội tàu là yêu cầu cấp bách

Về lâu dài, khi các yêu cầu trung và dài hạn được Tổ chức Hàng hải Quốc tế đưa ra, sẽ rất khó cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nếu chậm đổi mới, chuyển đổi năng lượng sạch.

Ảnh: Flickr

Đến thời điểm này, dù hầu hết các doanh nghiệp tàu biển Việt Nam đã thực hiện đánh giá chỉ số tiêu hao nhiên liệu của đội tàu để làm cơ sở cho việc thực hiện Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có (EEXI) và Chỉ thị Cường độ carbon hoạt động của tàu (CII) theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, áp dụng từ 1/1/2023.

Tuy vậy, từ kết quả đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong số 1.251 tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì (tính đến tháng 9/2022), có 591 tàu đang hoạt động tuyến quốc tế.

Trong số này, đối với nhóm tàu chờ hàng rời, có đến 98% tổng số tàu không thỏa mãn quy định Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có và phải có biện pháp can thiệp, hoặc phải giảm công suất khai thác. Con số này với tàu chở dầu/hóa chất và tàu chở hàng tổng hợp tương ứng là 78% và 33%.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tàu biển, năm 2022, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Nội dung đề án cũng đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tàu biển, như: ễn thuế nhập khẩu và giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 tấn trở lên hoặc tàu chạy bằng nhiên liệu khí hóa lỏng và các nhiên liệu sạch khác.

Đồng thời có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu hiện có sang tàu dùng nhiên liệu sạch vào giai đoạn từ 2030 đến 2050.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch chi tiết về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon trong lĩnh vực hàng hải, với  mục tiêu đến năm 2050 sẽ phát triển hợp lý phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng hàng hải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến góp phần đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Tuy vậy, trong khi các chính sách hỗ trợ chưa đem lại hiệu quả rõ nét, việc phải thực hiện Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có và Chỉ thị Cường độ carbon hoạt động của tàu đang ảnh hưởng rất lớn đến đội tàu biển của Việt Nam.

Ngoài ra, 2 chỉ số nêu trên mới chỉ là một biện pháp ngắn hạn trong Chiến lược cắt giảm khí nhà kính của Tổ chức Hàng hải Quốc tế đưa ra. Thời gian tới, Tổ chức Hàng hải Quốc tế sẽ còn đưa ra các biện pháp trong trung hạn và dài hạn để từng bước đạt được mức phát thải khí nhà kính về không vào năm 2050 đối với vận tải biển quốc tế.

Do vậy, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp tàu biển Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để tối ưu hóa đội tàu. Đó có thể là trang bị máy móc, thiết bị mới trên tàu, giảm tốc độ chạy của các tàu cũ để thỏa mãn Chỉ số thiết kế hiệu quả năng lượng đối với tàu hiện có. Đạt được tiêu chí này cũng có nghĩa là tàu đã có khả năng tiết kiệm nhiên liệu ở mức độ nhất định, nên việc thỏa mãn phân hạng Chỉ thị Cường độ carbon là có cơ sở.

Các năm tiếp theo, việc phân hạng sẽ nghiêm ngặt dần, đòi hỏi các tàu phải tiếp cận nhiều hơn các công nghệ hỗ trợ khai thác hoặc tối ưu hóa trong các khâu logistic nhằm giảm thời gian chờ ở cảng.

Xa hơn, các doanh nghiệp vận tải biển cần hoạch định kế hoạch khai thác một cách hợp lý, cùng với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, gắn với phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước.

Đặc biệt là tiềm năng biển để phát triển vận tải biển một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi thích hợp; đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển mới của thế giới; mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực châu Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong tương lai./.