"Sức mạnh mềm" để thay đổi thói quen rượu bia

Sau mỗi kỳ nghỉ, tai nạn giao thông được ghi nhận tăng đột biến tại nhiều địa phương, trong đó nhiều vụ có nguyên nhân trực tiếp từ việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Dù đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng có lẽ sẽ hiệu quả hơn với những giải pháp đồng bộ để tạo ra sức mạnh tổng thể, trong đó phòng ngừa sớm từ gia đình là "sức mạnh mềm" để thay đổi hành vi của mỗi người trước các cuộc vui.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 20 người chết vì tai nạn giao thông. Con số đó đã để lại bao đau thương cho người thân, gia đình các nạn nhân và gây sốc cho cộng đồng.

Thế nhưng, tai nạn giao thông luôn có xu hướng tăng vào những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ thuận với số lượng người sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông trong dịp này.

Nhiều chiến dịch tuyên truyền phòng chống việc lạm dụng rượu bia ở người điều khiển phương tiện giao thông được triển khai, nhiều đợt ra quân xử lý các vi phạm đã được thực hiện nhưng tình trạng vi phạm vẫn luôn diễn biến phức tạp và các "ma men" vẫn vô tư ra đường.

Đó là bởi, từ lâu nay thói quen sử dụng rượu bia đã ăn sâu vào văn hóa của nhiều người, một bộ phận nam giới uống rượu bia để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” của mình nên họ không quan tâm đến những tác hại của việc lạm dụng rượu bia và hậu quả của nó khi liều lĩnh tham gia giao thông.

Vài năm gần đây, xu hướng phụ nữ sử dụng rượu bia cũng không phải là hiện tượng hiếm gặp, trong khi các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng rượu bia thì dễ mất kiểm soát lý trí, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi uống rượu bia rồi tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ trông mong vào một biện pháp là các kế hoạch, chuyên đề xử lý của lực lượng chức năng thì không xuể và không triệt để nên các biện pháp dài hạn, giải quyết từ gốc mới là mấu chốt của vấn đề. Điều này cần có sự chung tay của mỗi gia đình, của toàn xã hội.

Theo đó, mỗi thành viên trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, con cái cần quan tâm, nhắc nhở người thân trước mỗi cuộc nhậu, để người thân của mình hiểu rằng, say rượu có thể mất kiểm soát, có thể có những hành vi lệch chuẩn và đặc biệt là nguy cơ xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông.

Làm thế nào để người tham gia giao thông nhận thức được tác hại thực sự của bia rượu khi tham gia giao thông, và để họ tự giác có biện pháp đảm bảo an toàn khi có cuộc vui thì chỉ có các thành viên thân thiết trong gia đình nhắc nhở "mưa dầm thấm lâu" mới mong có sự chuyển biến.

Từ chỗ thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng bia rượu ở người tham gia giao thông đến thay đổi hành vi là cả một quá trình dài và cần nhiều thời gian.

Một điểm đáng lưu tâm là Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã quy định: Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia nhưng rất khó thực hiện bởi theo các dân nhậu "ép nhau uống thêm là điều rất bình thường" mà khó ai có thể theo dõi xử phạt.

Vậy nên, rất cần có sự thay đổi nhận thức mạnh hơn từ những người sử dụng rượu bia, từ những người anh em, bạn bè, họ hàng để mỗi cuộc vui dù lớn hay nhỏ thì mọi người đều có cách ứng xử và sử dụng rượu bia phù hợp.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, tỷ lệ tai nạn giao thông thường tăng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường, nên những lời nhắc nhở ngay từ bây giờ không còn là sớm để bảo vệ sức khỏe của người thân, để ngăn ngừa những "ma men" ra đường trong những ngày mà nhu cầu tham gia giao thông rất lớn.