Sử dụng gầm cầu như thế nào để vừa an toàn, vừa tiết kiệm?

VOVGT- Theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ GTVT, từ ngày 1/12, các địa phương không được thực hiện trông giữ phương tiện và kinh doanh tại các gầm cầu vượt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Gầm cầu vượt Ngã tư Vọng được sử dụng làm bãi đỗ xe (Ảnh: Văn Chương)

Là người thường xuyên lưu thông qua khu vực cầu Chương Dương, anh Đinh Đức Thắng, ở Hoàng Mai, Hà Nội rất ngạc nhiên khi điểm trông giữ phương tiện tại khu vực gầm cầu Chương Dương vẫn tồn tại, dù đã có quy định cấm trông giữ phương tiện tại các khu vực này:

 

"Điểm trông giữ phương tiện tại khu vực này tồn tại khá lâu rồi, nhất là những ngày cuối tuần thì lượng phương tiện đến gửi càng đông hơn. Không thể nói cơ quan chức năng không biết, nhưng không biết vì lý do gì điểm trông giữ phương tiện này vẫn tồn tại."

Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ khu vực gầm cầu Chương Dương, mà trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại một số điểm trông giữ phương tiện dưới gầm cầu như: gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng…

Thừa nhận thực tế này, ông Vũ Ngọc Thắng, phó trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã ngừng cấp phép trông giữ phương tiện với hầu hết các diện tích gầm cầu vượt như: gầm cầu vượt Văn Cao, gầm cầu vượt Mai Dịch...

Tuy vậy, trên địa bàn Hà Nội còn 3 gầm cầu gồm: Ngã Tư Vọng, gầm cầu chương Dương và gầm cầu Vĩnh Tuy vẫn đang sử dụng để trông giữ phương tiện. Theo ông Thắng, gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng được UBND TP. Hà Nội cho phép trông giữ phương tiện phục vụ nhân dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai. Gầm cầu Chương Dương được cấp phép trông giữ phương tiện phục vụ các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần.

Đối với các gầm cầu vượt vi phạm, Sở GTVT Hà Nội sẽ giao cho các địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ thường tổ chức rào chắn để bảo vệ an toàn của các mố trụ cầu, chống tái lấn chiếm (Ảnh: Báo đầu tư)

Gầm cầu vượt Vĩnh Tuy được UBND TP cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để trông giữ phương tiện trong giai đoạn trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe ngày càng cao của người dân.

Cũng theo ông Thắng, trong thời gian đầu tư các bến, bãi xe the quy hoạch, Thành phố cũng đã đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội tiếp tục trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trong đô thị đến năm 2023. Ông Thắng nói:

 

"Năm 2023 cũng là thời điểm quy hoàn thành quy hoạch theo nghị định số 100 về việc lập và tổ chức quy hoạch sử dụng lòng đường hè phố đến năm 2023. Từ đó Thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép Thành phố tiếp tục trông giữ phương tiện dưới gầm cầu đến năm 2023."

Cũng theo đại diện của Sở GTVT Hà Nội, trong thời gian Bộ GTVT xem xét quyết định, đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT cho Thành phố tiếp tục trông giữ phương tiện dưới gầm cầu cượt Ngã Tư Vọng để đáp ứng nhu cầu của người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai và trông giữ phương tiện dưới gầm cầu Chương Dương để phục vụ phố đi bộ và các ngày cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Với các gầm cầu vượt khác như: cầu vượt nút giao Deawoo, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường vành đai 2 thì Sở GTVT Hà Nội sẽ giao cho các địa phương, các đơn vị quản lý đường bộ thường tổ chức rào chắn để bảo vệ an toàn của các mố trụ cầu, chống tái lấn chiếm.

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trông giữ phương tiện. Với những gầm cầu có diện tích lớn, như gầm cầu Vĩnh Tuy, Thành phố sẽ giao cho các địa phương sẽ tăng diện tích trồng thảm cỏ để tạo cảnh quan cho khu vực này. Ông Thắng cho biết thêm:

 

"Dù sao cũng là phần đất bảo vệ công trình đường bộ nên trước mắt Sở GTVT đề nghị các địa phương tăng cường thảm cỏ, trồng các cây mà có chiều cao sinh trưởng thấp hơn so với khoảng tĩnh không của gầm cầu."

Đánh giá cách thực hiện của Hà Nội, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, như cầu cấp bách về trông giữ phương tiện tại Hà Nội thì một số điểm gầm cầu có thể được sử dụng trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, về lâu dài, ưu tiên số 1 là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, sau đó mới đến việc tận dụng để sử dụng vào mục đích khác.

>>>Những khó khăn khi cấm bãi đỗ xe dưới gầm cầu