Sống chật vật ở khu tái định cư xuống cấp trong khi hàng nghìn căn hộ bỏ trống

Trong căn hộ xuống cấp trầm trọng, ông Nguyễn Văn Trí đang chuẩn bị vài chiếc thau nhỏ đặt lên giường, phòng khi trời mưa sẽ dột. Vì căn hộ xập xệ, trong ba năm qua, ông phải chuyển ra ở thuê ở nơi khác. Ông nói, sống ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

  

Đường vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B

Đường vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM ảm đạm và có phần nhếch nhác.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B cách trung tâm TP.HCM hơn 20km gồm 45 block, từng được xem là giải pháp nhà ở hiệu quả cho người dân sống trong các khu vực bị giải tỏa, thuộc các chương trình nâng cấp đô thị trên địa bàn TP.HCM từ năm 2013.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ đưa vào sử dụng, đến nay vẫn có tới phân nửa số block hoàn toàn bị bỏ trống. Những block còn lại cũng chỉ có vài hộ dân sinh sống, mỗi block lác đác mấy gia đình. Tổng số lượng căn hộ bị bỏ hoang lên đến 80% trên khu đất rộng gần 31 héc-ta.

Căn hộ trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B

Trong căn hộ đã xuống cấp trầm trọng, ông Nguyễn Văn Trí đang chuẩn bị vài chiếc thau nhỏ đặt lên giường, phòng khi trời mưa sẽ dột. Vì căn hộ xập xệ, trong ba năm qua, ông phải chuyển ra ở thuê ở nơi khác. Ông nói, sống ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.

Dẫn chúng tôi đi xem từng ngóc ngách trong căn hộ, ông Trí xót xa chỉ vào những vết nứt lộ cả khung sắt trên trần phòng khách, phòng ngủ và thậm chí là cả nhà vệ sinh. Những mảng tường cũng đã hoen ố.

“Hết mười mấy triệu tiền sửa nhà tắm và trần nhà. Say này sửa thêm hai mấy triệu nữa. Sửa ba đợt liền. Tôi ở lầu 1, người ta ở lầu 4 dột xuống, dột chứ không phải thấm, còn mùi thối của hầm cầu, tắm cũng không nổi. Tôi chịu không nổi nên bỏ nhà này, đi mướn nhà chỗ khác. Nước ăn uống, vệ sinh cũng hôi thối. Nước cũng không được lọc, lúc thì hôi bùn, lúc hôi mùi thuốc tẩy. Mong nhà nước khắc phục để bà con an tâm sinh sống làm ăn. Hệ thống chữa cháy giờ tắc nghẽn luôn”, ông Trí nói.

Trong nhiều năm qua, ông Trí phải chuyển ra ở thuê ở nơi khác, bởi căn hộ của ̀nh đã xuống cấp trầm trọng
Tường nhà bị nứt
Vết nứt trong nhà tắm

Phía ngoài hành lang của khu tái định cư, đồ đạc, quần áo, thậm chí là những cánh tủ chất đống, không mấy ai buồn ngó ngàng tới. Chúng tôi gặp bà Trần Thị Thanh Mai, một trong những cư dân hiện đang sống tại khu tái định cư này từ 8 năm trước. Bà Mai chia sẻ rằng, ngôi nhà cũ của bà tại quận Bình Tân nằm trong khu vực giải tỏa phục vụ cho dự án Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.

Trong 8 năm qua, bà đã chứng kiến những người hàng xóm đến rồi lại đi, hoạ hoằn lắm mới có người ở: “Tại sao khu tái định cư này lại hoang vắng như vậy? Bởi vì khu tái định cư này cũng đã xuống cấp dữ lắm rồi. Ở dưới kia, công ăn việc làm có, về đây không có công việc, sống vất vưởng. Một tuần tôi đi phụ quét dọn nhà cho người ta có 200-300 ngàn. 200 ngàn làm sao tôi sống? Một số người ở một thời gian không chịu nổi phải bán rẻ rồi đi. Do vị trí cũng quá xa, nên con cháu tôi phải dắt nhau về thuê nhà để còn đi làm cho gần công ty”, bà Mai nói.

Việc cắt điện, cắt nước diễn ra như cơm bữa

Chưa hết, việc cắt điện, cắt nước diễn ra như cơm bữa khiến cho những người dân ở đây phải gửi đơn lên các cấp chính quyền. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp thoả đáng.

Việc không nắm rõ nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, thu nhập cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân là đối tượng tái định cư đã được bà Trần Khánh Linh - Phó Tổng Giám đốc bộ phận tư vấn và môi giới đầu tư TP.HCM - Công ty TNHH Savills Việt Nam cùng các chuyên gia khác chỉ ra.

Bà Linh cho rằng, đó chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự lãng phí: “Khi xây dựng lên một khu tái định cư không phù hợp với nhu cầu của họ, thì việc họ không nhận nhà, không ở là điều tất nhiên. Ví dụ như vị trí xa chỗ làm, việc kinh doanh buôn bán, sinh kế và đi học của trẻ nhỏ bị xáo trộn. Nguồn thu nhập của họ bị ảnh hưởng lớn. Nhiều hộ gia đình không đủ khả năng kinh tế để có thể chi trả cho việc di dời và duy trì cuộc sống”.

Người dân tiến thoái lưỡng nan


Các chuyên gia phân tích, đây là hậu quả của những hạn chế trong quá trình quy hoạch, thiết kế cũng như vận hành khu tái định cư.

Trong khi nhiều gia đình vẫn phải loay hoay, vật lộn với vấn đề nhà ở, thì còn đó hàng nghìn những căn hộ trơ trọi, trống không. Khoảng trống đó cho thấy cần phải có những giải pháp hiệu quả hơn để tận dụng triệt để các nguồn lực đầu tư và đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cộng đồng cư dân.