Sớm thu hẹp “khoảng trống” về quy chuẩn trạm sạc xe điện

Hiện nay, việc xây dựng các trạm sạc ô tô điện đang gặp phải rất nhiều vấn đề từ cơ chế chính sách đến nguồn lực, tại mỗi địa phương lại có những hướng dẫn lắp đặt khác nhau, mức độ cung cấp điện không đồng đều, hay thậm chí bị người dân phản đối vì lo sợ cháy nổ.

Dẫu vậy, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành xe điện, cùng với đó là những chính sách thông thoáng từ phía Chính phủ mang đến. Song, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc xe điện vẫn cần sớm được hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển của các loại hình phương tiện này.

Không khó để thấy những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong lộ trình chuyển đổi sang phương tiện chạy điện.

Như Trung Quốc – với tổng số xe điện hiện vượt quá con số 10 triệu xe đã gặp một cuộc khủng hoảng trong đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè vừa qua.

Trước tình trạng nguồn cung điện thiếu tin cậy, Chính phủ nước này đã đưa ra hạn chế đối với việc sạc xe điện để ưu tiên các nhu cầu điện hàng ngày quan trọng hơn.

Chính điều này đã đẩy hàng dài các xe điện phải xếp hàng chờ ngoài trạm sạc ngay cả sau nửa đêm và các tài xế taxi điện thì bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc sống mưu sinh phụ thuộc vào xe điện.

Tài xế ngồi chờ sạc xe tại Thượng Hải, Trung Quốc

Nhìn qua có thể thấy, Trung Quốc dù đã có một cơ sở hạ tầng sạc tương đối tốt, nhưng khi có một sự kiện, sự việc gì đó xảy ra – chẳng hạn như lệnh hạn chế sạc được đưa ra thì các vấn đề mới được phơi bày.

Còn tại Việt Nam, đi theo xu hướng của thế giới, vì chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc, khiến doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam vẫn còn vấp phải sự lúng túng khi lắp đặt mạng lưới trạm sạc.

Với những người đang tham gia hoặc quan tâm tới lĩnh vực ô tô điện, hẳn đều biết nếu không có một hạ tầng trạm sạc đầy đủ, thống nhất, chắc chắn sự thất bại trong việc phát triển xe điện tại Việt Nam, hay một quốc gia, là chuyện sẽ sớm xảy ra.

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT, Với quy định trong luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật thì khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì tùy theo công nghệ, tùy theo bí quyết hay những quy định riêng của các hãng về mặt kĩ thuật, doanh nghiệp sẽ đi tìm những quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới để áp dụng.

Điều này là đúng. Nhưng liệu những quy chuẩn, tiêu chuẩn đó đã thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam?

Phương tiện xanh, nhưng phải phù hợp với bối cảnh đất nước

Đơn cử như Singapore, dù là quốc gia có điều kiện kinh tế, nhưng khi tính toán tới việc xây dựng hệ thống trạm sạc, chính phủ nước này vẫn phải cân nhắc xem nên áp dụng những công nghệ mới nhất, hay lựa chọn những phương án hợp túi tiền với không chỉ chính phủ, doanh nghiệp mà cả với người dân.

Trạm sạc đầu tư nhiều thì chắc chắn sẽ tốt, nhưng sẽ kéo theo áp lực thu hồi vốn cao, dẫn tới việc chi phí sạc cũng tăng theo. Trong bối cảnh chi phí cho một chiếc xe điện vẫn cao hơn xe chạy xăng, thì nếu cả chi phí sạc cũng cao, liệu sẽ lôi kéo được bao nhiêu người dân chuyển đổi phương tiện?

Vì vậy, một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng với hạ tầng trạm sạc cho Việt Nam là điều cấp bách trong giai đoạn đầu của lộ trình phát triển xe điện.

Bởi chính sách phù hợp thì mới hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư, mới đủ sức thuyết phục người dân chuyển đổi. Phương tiện xanh, nhưng phải phù hợp với bối cảnh đất nước.