Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi cùng PV VOV Giao thông, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những ý kiến phân tích cởi mở về vấn đề trên, đồng thời nêu giải pháp hài hòa quan điểm của các bên.

PV: Sinh viên có thể học được nhiều kỹ năng quan trọng thông qua việc làm thêm. Vậy, liệu lệnh cấm hoặc siết chặt sinh viên làm thêm có thể hạn chế sự phát triển cá nhân của họ không?

PGS.TS Trần Thành Nam: Việc hạn chế giờ làm thêm của các bạn sinh viên có thể là một chính sách cần thiết dựa trên cơ sở đảm bảo các bạn sinh viên có đủ thời gian tập trung cho việc học một cách hiệu quả và tránh việc họ bị bóc lột sức lao động.

Tuy nhiên những bạn sinh viên mà có khả năng học tập tốt, có thể có những hoàn cảnh khó khăn và bạn ấy có kỹ năng quản lý thời gian tốt thì có thể khuyến khích bạn ấy làm một số công việc liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai, hoặc là những công việc giúp phát triển kỹ năng mềm của công dân thế kỷ 21, thì các bạn ấy có thể là làm được nhiều hơn.

Nhưng mà với những bạn sinh viên khác, nếu mà thành tích học tập nó ở mức nguy cơ và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình vẫn còn có thể hỗ trợ được. thì cần phải có chính sách để hạn chế giờ làm thêm. Nếu không thì đây cũng là một sự lãng phí nguồn lực đầu tư của gia đình cũng như thời gian của sinh viên.

Chúng ta cũng cần bàn đến việc: làm thêm nhưng mà tính chất công việc là như thế nào, những công việc liên quan đến chuyên môn nhưng nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp cho vị trí nghề nghiệp sau này thì có thể đấy là những công việc cần khuyến khích.

Ảnh nh họa

PV: Không ít sinh viên hàng tháng đều trông vào tiền lương làm thêm để san sẻ gánh nặng cho gia đình. Liệu việc cấm sinh viên đi làm thêm có thể dẫn đến những hậu quả xã hội không mong muốn, như tăng cường áp lực tài chính cho gia đình sinh viên không?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đây là trách nhiệm của nhà trường, cần phải tạo ra chính sách chung, vừa cân bằng giữa nhu cầu liên quan đến tài chính và nhu cầu phát triển kỹ năng, cũng như đảm bảo chất lượng học tập của từng sinh viên.

Chúng ta cần phải hạn chế số giờ vì chúng ta không muốn các em bị bóc lột sức lao động hoặc dành quá nhiều thời gian, tâm sức choviệc làm thêm mà bỏ bê việc học. Để làm được việc này thì nhà trường cũng phải tạo ra một số vị trí việc làm phù hợp với ngành nghề của các em.

Chúng ta phải phát triển thêm các chương trình hỗ trợ tài chính cho những sinh viên khó khăn, có năng lực học tập để giảm áp lực tài chính cho các em và không để cho các em phải làm thêm mà không phù hợp với chuyên môn. Bên cạnh đó, hiện tại bây giờ tất cả các trường cũng đều có nhiều chương trình học bổng để cho những sinh viên có năng lực tốt thì các bạn ấy có thể có những cơ hội nhận được học bổng hỗ trợ.

Bây giờ kinh nghiệm là tạo ra một số công việc ngay trong nhà trường, cho phép sinh viên đăng ký tham gia vào vị trí làm việc ở trong nhà trường thì một trường đại học mới có thể quản lý được số giờ mà các bạn ấy muốn làm thêm, chứ còn ngay kể cả việc chúng ta muốn cấm các bạn ấy đi làm thêm trong bối cảnh hiện tại thì nhà trường cũng không thể nào quản lý được và cơ chế để mà kiểm soát làm thêm cũng không có.

PV: Có thể hiểu được lý do cơ quan quản lý đề xuất siết chặt việc sinh viên đi làm thêm, cũng vì những mục đích tích cực. Vậy theo ông, chúng ta nên làm gì để hài hoà mong muốn giữa 2 bên?

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Trần Thành Nam: Nhà trường sẽ phải là đơn vị chủ động tạo cơ hội việc làm thêm phù hợp đối với sinh viên trong chính nhà trường. Với mục tiêu rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp và những kỹ năng chuyển đổi.

Nhà trường phải có trách nhiệm trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức của sinh viên về lợi ích ngắn hạn của việc làm thêm trước mắt và những lợi ích lâu dài của việc tập trung đầu tư vào học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho tương lai.

Sinh viên sẽ dựa trên những điều đó để cân nhắc và tự giác. Và thứ ba,tôi nghĩ nhà trường phải tiếp tục đóng vai trò tư vấn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên kể cả khi đã đỗ đại học, ví dụ như là vào đại học rồi thì cố vấn học tập sẽ có vai trò định hướng các em phải đi theo hướng nào, lựa chọn các môn nào, tham gia các hoạt động đoàn thể như thế nào để đạt được những kỹ năng mà em mong muốn, và đến khi ra trường thì các em có thể nhanh nhất hội nhập thị trường lao động.

Chúng ta cần phải xác định cho các em là vào đại học chỉ là thời điểm bắt đầu để em rèn luyện tất cả kỹ năng nghề nghiệp của một vị trí công việc mà em đã hình dung trong tương lai chứ không phải là vào đại học là đích đến và kiểu gì cũng ra trường, kiểu gì cũng sẽ có một công việc.

PV: Xin cảm ơn ông.