7h sáng, chị Đỗ Thị Quyên ở Hoài Đức vượt quãng đường 17 cây số đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để làm hồ sơ sinh cho con thứ 3. Xếp hàng đông vốn đã mệt với người bình thường, thì càng vất vả hơn với những bà bầu.
Chị Quyên chia sẻ, vợ chồng chị “nhỡ kế hoạch” trong thời gian giãn cách. Dù rất vui vì có thêm thành viên mới, nhưng anh chị phải nỗ lực làm việc nhiều hơn:
"Làm hồ sơ sinh ở Bệnh viện Phụ sản nhiều thứ lắm, không chỉ là siêu âm mà còn khám, thử nước tiểu, đo monitor,… hết khoảng 2 triệu. Có đầy đủ quạt và ghế ngồi, nhưng đông thì mình phải xếp hàng lâu.
Sắp có thêm thành viên mới cũng hơi lo lắng vì kinh tế có hạn thôi, nhất là bạn thứ hai chuẩn bị vào lớp 1, buổi tối phải kèm các con học. Có thêm em nhỏ thì quỹ thời gian phải san sẻ nhiều hơn", chị Quyên cho biết.
Bên cạnh những gia đình “nhỡ kế hoạch” như chị Quyên, không ít người có điều kiện kinh tế tốt muốn sinh thêm con thứ 3, hoặc những gia đình đã sinh hai con một bề gái, như chị Nguyễn Vân Anh, ở Hà Đông: "Cả nhà rất là vui, cháu thứ ba là con trai, “có nếp có tẻ”. Điều kiện kinh tế là cái đầu tiên. Mình có kinh tế ổn định thì con mình mới được ăn mặc, học hành,… đầy đủ.
Nói chung là bao giờ bé cũng được ưu tiên hơn lớn, nhưng mà bố mẹ lúc nào cũng phải quan tâm cả lớn cả nhỏ như nhau, không bị tủi thân".
Sau nhiều năm duy trì mức sinh thay thế (2,09 con/phụ nữ), Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vừa cảnh báo tỷ lệ sinh có xu thế gia tăng trở lại trong giai đoạn 2010-2020. Cụ thể: khu vực nông thôn từ 2,11 lên 2,29 con/phụ nữ, đồng bằng sông Hồng từ 2,04 lên 2,34.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, dịch COVID-19 khiến công tác kế hoạch hóa gia đình gặp khó khăn. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn do một số địa phương không bố trí đủ kinh phí mua sắm phương tiện tránh thai ễn phí và thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng ưu tiên.
Trên địa bàn Hà Nội, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, thành phố hiện vẫn duy trì mức sinh thay thế, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 có tăng nhưng mức biến động chưa lớn. Tuy nhiên, khó khăn với các địa phương hiện nay là nguồn lực cho công tác dân số bị cắt giảm:
"Giai đoạn 2016-2020 vẫn còn chương trình mục tiêu y tế, Chính phủ đầu tư ngân sách cho Bộ Y tế và hỗ trợ cho các tỉnh kinh phí hoạt động. Giai đoạn 2021-2025, cái nguồn này không còn nữa, giao lại cho các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương, nơi nào có điều kiện quan tâm thì đầu tư.
Riêng với Hà Nội, chúng tôi đã tham mưu cho HĐND thành phố, quan tâm tổ chức bộ máy ổn định, hỗ trợ thù lao, duy trì đội ngũ cộng tác viên ở khu dân cư. Con thứ 3 xu hướng tăng thì đương nhiên đảm bảo cho đứa trẻ sinh ra, học hành, phát triển cũng bị ảnh hưởng, trong khi nguồn thu nhập của gia đình đang ổn định và quỹ thời gian chỉ có vậy", ông Tạ Quang Huy cho biết.
Một thách thức khác là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, như tại Hà Nội là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo các chuyên gia, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng cần tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, vận động các gia đình về giảm sinh con thứ 3 trở lên, để có điều kiện kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về bình đẳng giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra các quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi./.