Singapore: Tài xế taxi lo lắng trước quy định không bắt buộc đeo khẩu trang

Kể từ 29/8 vừa qua, Singapore bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên xe taxi hay xe thuê cá nhân. Điều này khiến không ít tài xế cảm thấy lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh khi phải tiếp xúc với hành khách trong một không gian kín và chật hẹp vẫn còn hiện hữu.

Kể từ ngày 29/8 vừa qua, người dân Singapore không còn phải đeo khẩu trang trong không gian kín, trừ trường hợp trên phương tiện giao thông công cộng và những nơi có nguy cơ cao như các cơ sở y tế.

Như vậy, người dân cũng như du khách không bắt buộc phải sử dụng khẩu trang trên các phương tiện giao thông tư nhân như xe buýt trường học, xe buýt, xe taxi hay xe thuê tư nhân.

Tài xế taxi Thomas Lim cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết rằng việc đeo khẩu trang sẽ không còn bị bắt buộc trên taxi và các xe thuê tư nhân nữa.

Ông cho rằng các phương tiện giao thông như taxi nên là nơi cuối cùng mà các quy tắc về bắt buộc đeo khẩu trang bị gỡ bỏ.

“Tôi hoàn toàn không ủng hộ việc này,” ông nói và lưu ý rằng hành khách sẽ ở trong một không gian nhỏ và kín trong một thời gian dài. "Nó rất tệ cho người lái xe."

Người đàn ông 51 tuổi này nằm trong số các tài xế taxi và lái xe thuê tư nhân không hài lòng với sự thay đổi trong quy định về đeo khẩu trang. Họ cho biết việc không bắt buộc đeo khẩu trang trong một không gian chật hẹp như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và lưu ý rằng họ có thể chở hơn 20 hành khách mỗi ngày.

Người dân cũng như du khách không bắt buộc phải sử dụng khẩu trang trên các phương tiện giao thông tư nhân như xe buýt trường học, xe buýt, xe taxi hay xe thuê tư nhân. Ảnh: straitstimes

Một số tài xế cho biết:

“Tôi vẫn sẽ đeo khẩu trang thôi còn hành khách đeo hay không thì tôi không bắt buộc được. Khi nào kết thúc chuyến đi, tôi sẽ mở hết cửa sổ để thông thoáng không khí trong xe”.

“Các hành khách có thể bị ốm và cần đến bác sĩ. Nếu chúng tôi chở họ, chúng tôi có thể bị lây nhiễm. Vì vậy tốt hơn hết là đeo khẩu trang”.

“Tôi sẽ vẫn khuyến khích hành khách đeo khẩu trang. Thế nhưng nếu họ không muốn thì tôi cũng không ép họ được”.

Ông Lim cũng cho biết khả năng ễn dịch của ông đã bị suy giảm sau khi ông mắc COVID-19 hồi tháng 7, đến nay ông vẫn bị ho và đau họng.

Ông rất lo lắng về việc có thể bị tái nhiễm: “Tôi sẽ cho hành khách biết tôi thích họ đeo khẩu trang hơn. Nếu họ đang ho hoặc hắt hơi, tôi sẽ hạ cửa sổ xuống để tăng khả năng thông gió, nhưng tôi không thể làm được gì khác hơn nữa."

Các tài xế khác cho biết quy định mới có thể tiềm ẩn xung đột nếu một số tài xế khăng khăng yêu cầu hành khách của họ phải đeo khẩu trang.

Trong khi đó, trên Fanpage của Cơ quan Giao thông đường bộ vẫn khuyến khích tài xế và hành khách đeo khẩu trang.

Tương tự, Gojek và Grab kêu gọi tài xế và hành khách nên đeo khẩu trang nếu cảm thấy không khỏe.

Grab cũng khuyến cáo tài xế nên hạ bớt cửa sổ để cải thiện hệ thống thông gió nếu hành khách đồng ý. Tuy nhiên, các tài xế cho biết họ cảm thấy rằng nhiều hành khách sẽ không chú ý đến lời kêu gọi đeo khẩu trang này.

Các tài xế khác cho biết quy định mới có thể tiềm ẩn xung đột nếu một số tài xế khăng khăng yêu cầu hành khách của họ phải đeo khẩu trang. Ảnh: straitstimes

Trước việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang, ông Ong Ye King, Bộ trường Bộ Y tế Singapore cho biết: “Chúng tôi hi vọng ngay cả khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu thì chúng ta vẫn tiếp tục đeo khẩu trang như một thói quen tốt để phòng bệnh. Khi bạn ốm, hãy đeo khẩu trang. Khi đến đám đông, nguy cơ lây nhiễm rất lớn vì thế đeo khẩu trang là một thói quen cần duy trì”.

Tài xế Sherwin Tan, 40 tuổi, cho biết một số hành khách đã ngừng đeo khẩu trang trong những tháng gần đây, đặc biệt là vào ban đêm khi ông đón họ từ các khu vực như Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa.

Trong những ngày đầu của đại dịch, ông bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang khi lên xe. Thế nhưng giờ đây ông phải “mắt nhắm mắt mở” mà bỏ qua việc này.

Ông Tan cho biết thêm, sẽ phun khử khuẩn sau khi hành khách xuống xe, đồng thời đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân. 

Nghị sĩ Pasir Ris-Punggol GRC Yeo Wan Ling, cố vấn của Hiệp hội Taxi Quốc gia và Hiệp hội Phương tiện Cho thuê Tư nhân Quốc gia, yêu cầu công chúng nên cân nhắc về vấn đề này: "Không giống như những người lao động khác, tài xế của chúng tôi mất thu nhập nếu họ không lái xe mỗi ngày. Nếu bị nhiễm COVID-19, họ vẫn phải trả tiền thuê xe hàng ngày và các chi phí phát sinh khác, ngay cả khi họ không lái xe”, bà Yeo nói.

Luật sư Yap Shikai, 27 tuổi, cho biết anh không có ý định đeo khẩu trang khi thực hiện các chuyến đi 1 chặng trừ khi cảm thấy không khỏe, nhưng sẽ đeo nếu tài xế yêu cầu.

"Quy định đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng rất cần thiết. Bởi xe có thể trở nên khá đông đúc trong giờ cao điểm. Ít nhất là chuyến đi của tôi sẽ không bị phá hỏng bởi ai đó lây lan vi trùng hoặc hơi thở có mùi của ai đó”, anh Shikai cho biết.

Còn tại Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng.

Theo đó, bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, phà, xe khách, xe buýt, taxi,...). Quy định này được áp dụng đối với tất cả hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng, kể cả nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách.