Singapore: Giá xe mới tăng chóng mặt, mạnh tay “tút tát” xe cũ

Tại Singapore, trong bối cảnh Chi phí cho giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện (được gọi là COE) liên tục đạt mức kỷ lục, nhiều người có xu hướng giữ lại xe cũ. Họ cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để bảo dưỡng động cơ xe, hoặc ít nhất là “tút tát” lại vẻ ngoài của chiếc xe với lớp sơn mới.

Chi phí cho giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện (được gọi là COE) tại Singapore liên tục đạt mức kỷ lục. Ảnh: CNA

Chỉ cách đây 5 năm, giá một giấy COE (giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện) khoảng 25.000 đô la Singapore (khoảng 442 triệu VNĐ). Thế nhưng, hiện đã tăng hơn 4 lần đối với những chiếc có động cơ khiêm tốn nhất. Còn đối với những chiếc xe phân khối lớn, chi phí để sở hữu loại giấy phép này thậm chí còn cao hơn khoảng 5 lần.  

Trong cuộc đấu giá ngày 4/10 vừa qua, chi phí cho giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện cho những chiếc xe lớn hơn và mạnh mẽ hơn ở loại B đã tăng lên 146.002 đô la Singapore, từ mức 140.889 đô la Singapore trong cuộc đấu thầu trước đó.

COE danh mục mở, có thể được sử dụng cho bất kỳ loại phương tiện nào nhưng thường được sử dụng chủ yếu cho ô tô cỡ lớn, lần đầu tiên đã vượt qua mức 150.000 đô la Singapore, tăng từ 144.640 đô la Singapore lên 152.000 đô la Singapore.

Vào ngày 20/9, giá COE cho những chiếc xe lớn hơn ở Loại B và Loại mở lần đầu tiên đạt mức 140.000 đô la Singapore.

Đối với ô tô loại A hoặc loại 1.600cc trở xuống không quá 130 mã lực, phí bảo hiểm ở mức 104.000 đô la Singapore, giảm so với mức kỷ lục 105.000 đô la Singapore trong đợt trước.Khi chi phí COE tiếp tục tăng, một số tài xế mà trước đó đã mua xe với giá COE thấp hơn đang chọn cách giữ lại xe cũ thay vì mua mới. Trong vài năm qua, số lượng tài xế hủy đăng ký xe đã giảm.

Năm 2017, có 80.788 xe loại A và B bị hủy đăng ký. Con số này giảm xuống còn dưới 25.000 tương đương khoảng 1/3 vào năm ngoái. Đây cũng là lí do các xưởng sửa chữa ô tô chứng kiến ngày càng nhiều chủ xe mang xe cũ đến bảo dưỡng.

Các xưởng bão dưỡng, làm đẹp xe chứng kiến lượng khách hàng tăng cao. Ảnh: CNA

Gara ô tô Alan’s United Auto đã chứng kiến lượng khách hàng yêu cầu bảo dưỡng lớn tăng 30% kể từ giữa năm nay. Việc bảo dưỡng bao gồm đại tu động cơ, hệ thống phanh hoặc hộp số.

Bà Khong Shi Jie, quản trị viên kinh doanh của Alan's United Auto, cho biết: “Hiện nay có xu hướng là ngày càng nhiều người mang xe cũ đến để đại tu hoặc nhờ chúng tôi kiểm tra thay vì loại bỏ. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để đảm bảo chiếc xe vẫn có thể hoạt động ít nhất vài năm nữa, trong lúc họ hy vọng giá COE sẽ giảm xuống.”

Các công ty chăm sóc và bảo dưỡng ô tô ở Singapore đang chứng kiến hoạt động kinh doanh phát đạt, thậm chí có công ty có lượng khách hàng tăng gần 60% trong năm qua.

Bên cạnh việc mang xe đến xưởng để kiểm tra, sửa chữa đảm bảo an toàn khi lưu thông, như thay bộ lọc, thay má phanh hoặc kiểm tra lốp, nhiều người còn vung tiền vào các dịch vụ thẩm mỹ xe.

Dịch vụ sửa chữa ô tô Yap đã phải chuyển hướng và tập trung lại hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Keith Yap, Giám đốc kinh doanh tại Dịch vụ sửa chữa ô tô Yap, cho biết: “Nhu cầu về làm đẹp cho xe hơi đang rất lớn. Giới trẻ ở cảm thấy xe vẫn còn tốt, trong khi thời hạn giấy COE vẫn còn một đến hai năm nữa vì thế chỉ cần phun một lớp sơn mới, lái xe vòng quanh và khoe với bạn bè và gia đình của họ là được rồi. Dù sao thì chiếc xe cũng sẽ bị phá hủy. Không ích gì khi bỏ tiền ra để đại tu cầu kỳ”.

Ảnh: CNA

Tương tự, Cycle & Carriage Singapore cho biết lượng khách hàng yêu cầu kiểm tra thân xe và sơn tăng 60% so với năm ngoái. Giám đốc dịch vụ cấp cao Carmel Chua cho biết để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu của khách hàng, công ty đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo rằng lực lượng lao động của mình được nâng cao tay nghề thông qua các buổi đào tạo.

Trong khi đó, công ty Eurokars Services cho biết khách hàng chi nhiều hơn gấp ba lần cho việc tân trang lại những chiếc xe cũ. 

Ông Alvin Lee, Giám đốc cấp cao về sơn và thân xe tại Eurokars Services cho biết: "Chúng tôi có một số chương trình đào tạo liên bộ phận cho phép các thợ máy được đào tạo thành người chăm sóc xe để phục vụ nhu cầu khác nhau của khách hàng và điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện công việc sửa chữa.”Các chuyên gia cho rằng, chừng nào giá mua Giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện còn tiếp tục tăng thì còn nhiều khách hàng “làm đẹp” lại xe của mình sao cho lung linh nhất có thể".

Còn tại Việt Nam, để mua một chiếc ô tô mới dưới 9 chỗ lắp ráp trong nước, bên cạnh giá niêm yết do nhà phân phối công bố, người dân phải trả thêm đến 7 loại thuế, phí khác nhau: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế trước bạ, phí ra biển số, phí sử dụng đường bộ, phí đăng kiểm lần đầu và phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Do đó, so với giá xe niêm yết, giá lăn bánh có thể chênh đến cả chục triệu đồng, thậm chí trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng.

Trong khi đó, với xe nhập khẩu, các dòng xe đến từ Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao, từ 56% đến 74% giá trị xe.

Bộ Công Thương khẳng định rằng thuế phí là nguyên nhân chính khiến giá xe ôtô ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ, ở Nhật, thậm chí cao gấp đôi Thái Lan.

Các chủ xe thường có xu hướng tân trang, bảo dưỡng xe tập trung vào dịp cuối năm nên các trung tâm bảo dưỡng, làm đẹp xe luôn trong tình trạng quá tải.

Theo chia sẻ của một số nhân viên sửa chữa ôtô, ngoài việc tân trang cho vẻ đẹp bên ngoài như dán tem, thay màu xe, đánh bóng, phủ cerac làm đẹp và bảo vệ xe.. thì những chi tiết cần kiểm tra hàng đầu đó là hệ thống phanh và lốp nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông.