Singapore chuẩn bị gì để mở lại sân bay an toàn và đón khách luồng vaccine?

Đảo quốc Singapore đang rất trong việc mở cửa quốc gia, hoạt động trở lại bình thường. Mới đây, những nỗ lực này tiếp tục được thể hiện bằng việc mở lại 2 nhà ga của sân bay Changi, đồng thời tiếp đón những vị khách đầu tiên trong chương trình “luồng vacc

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Các cửa hàng tại 2 nhà ga T1 và T3 của sân bay Changi đã mở cửa trở lại. Ảnh: Try Sutrisno Foo/CNA

Sân bay Changi, Singapore không chỉ nổi tiếng là sân bay tốt nhất thế giới. Nơi đây còn tích hợp khu mua sắm, giải trí với hàng trăm cửa hàng, dịch vụ tại các nhà ga và là một điểm đến ưa thích không chỉ của du khách mà cả với chính người dân Singapore. 

Sau 3 tháng ngừng hoạt động, mới đây sân bay Changi đã mở cửa trở lại 2 nhà gân sân bay T1 và T3. Trước đó, phần mở rộng của sân bay Changi là Jewel Changi  mở cửa trở lại từ ngày 14/6 nhưng các nhà ga vẫn đóng cửa để nhân viên có thời gian làm quen với các quy trình an toàn mới. Trước đó, các khu vực này của sân bay đã phải ngưng hoạt động do phát hiện một ổ dịch lên tới 108 ca mắc, trong đó có 43 người là nhân viên sân bay. 

Ghi nhận trong những ngày đầu, lượng khách tới sân bay Changi không quá đông, nhưng với nhiều người, đây là một khởi đầu tốt. Ông James Fong, phó chủ tịch Bộ phận quản lý, cho thuê cửa hàng của sân bay chia sẻ: “Hiện đã có 80% cửa hàng tại 2 nhà ga T1 và T3 hoạt động trở lại. Những cửa hàng còn lại chưa mở cửa, theo tôi lí do là họ vẫn chưa xong công đoạn chuẩn bị. Dự đoán các cửa hàng này sẽ mở cửa trở lại trong thời gian tới”.

Đồng thời, vào ngày 9/9 vừa qua, 100 hành khách quốc tế đầu tiên từ Đức thuộc diện chương trình “luồng vaccine” đã có mặt tại Singapore. Theo quy định của luồng vaccine, những hành khách này sẽ phải trải qua 4 lần test covid-19, tuy nhiên không phải cách ly vì đã tiêm đủ liệu trình vaccine. 

Singapore đang trong quá trình mở cửa trở lại một cách chậm rãi, do đó sân bay Changi cũng đang thực hiện các biện pháp an toàn nhằm phân luồng du khách. Cụ thể, chỉ có du khách nhập cảnh và các đơn vị cung cấp dịch vụ đón tiếp chuyên nghiệp mới được phép đến sảnh nhập cảnh của sân bay.

Một số khu vực tại sảnh nhập cảnh T3 đã được trưng dụng làm khu vực nghỉ ngơi cho nhân viên. Riêng các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống và cửa hàng bán lẻ tại sảnh nhập cảnh T3 sẽ tạm thời đóng cửa trong thời gian các khu vực được phân chia. Ngoài ra, những nhân viên sân bay chưa tiêm đủ liệu trình vaccine sẽ không được phép ngồi chung với những người khác trong giờ nghỉ trưa.

Một nhân viên sân bay chia sẻ: “Ban đầu thì chúng tôi vẫn còn cảm thấy lạ lẫm với những thay đổi này. Có lẽ là cần thêm một chút thời gian để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Việc mở cửa lại các nhà ga theo tôi là điều cần thiết để dần mang cuộc sống bình thường trở lại với người dân Singapore. Vì dù hiện họ chưa thể bay, nhưng ít nhất là họ được tới nhà ga và có thể là giải trí một chút”.

Những hành khách đầu tiên thuộc "luồng vaccine" tại sân bay Changi. Ảnh: Aaron Wong/CNA

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, sân bay Changi áp dụng hàng loạt biện pháp công nghệ hiện đại để quản lý, đảm bảo an toàn phòng dịch, trong đó phải kể đến các ki-ốt làm thủ tục bay tự động hay làn nhập cảnh tự động với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, mống mắt để thay thế cho quét vân tay truyền thống.

Mới đây, sân bay Changi tiếp tục đưa vào sử dụng 2 ứng dụng điện thoại. Một dành riêng cho bộ phận giám sát để theo dõi tình trạng và lên kế hoạch, sắp xếp nhân viên, lịch dọn vệ sinh, khử trùng tại các phòng chờ sân bay. Ứng dụng còn lại dành cho hành khách, cho phép họ đặt lịch kiểm tra an ninh, làm thủ tục ngay cả trước khi họ có mặt tại sân bay. Ứng dụng này được tích hợp vào iChangi, ứng dụng chung dành riêng cho hành khách tới sân bay này.

Ông Keith Tan, Giám đốc điều hành Tổng cục du lịch Singapore chia sẻ: “Sân bay Changi có lợi thế về việc áp dụng công nghệ sinh trắc học để quản lý hành khách nhập cảnh trong một thời gian dài. Hiện họ đang tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều công nghệ dựa trên nền tảng không-tiếp-xúc để tạo thuận lợi cho hành khách tới sân bay”.

Còn tại Việt Nam, mới đây, ngày 13/9, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa với thời gian thực hiện thí điểm 4 tuần. Cụ thể, trong kế hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam phân 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C tùy theo tình hình dịch bệnh tại mỗi khu vực. Quá trình triển khai cũng được chia thành nhiều giai đoạn để theo dõi và có điều chỉnh kịp thời.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kế hoạch này để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì hoạt động giao thông vận tải bằng đường hàng không, tránh đứt gãy nền kinh tế, trong điều kiện một số địa phương đã có kết quả khả quan trong phòng, chống dịch và điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội.