Chị Thu Trang ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, từ nhiều ngày nay phải sắp xếp thời gian ra khỏi nhà sớm hơn từ 15-20 phút để kịp giờ làm do trục đường Tố Hữu những ngày gần đây hay bị ùn cục bộ, các phương tiện gặp nhiều khó khăn khi di chuyển vào giờ cao điểm sáng.
Chị Trang phản ánh: "Mình thấy đường Tố Hữu dạo gần đây khung giờ từ 7h30 - 9 giờ rất tắc. Một là ở khúc cua để quay lại đi sang đường Trung Văn, nhiều phương tiện ô tô xếp hàng chờ quay đầu nên nhiều người sẽ phải đứng chờ để cho người ta rẽ sang, rồi cứ bị tắc dần tắc dần. Có những hôm bị tắc cứng, xe máy còn phải lao lên cả vỉa hè".
Theo phương án tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải Hà Nội tại nút giao Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh, từ ngày 7/4/2023, cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh. Các phương tiện ô tô trên đường Tố Hữu đi thẳng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao khoảng 300 m để đi Vũ Trọng Khánh. Các phương tiện xe máy, xe thô sơ trên đường Tố Hữu đi thắng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách cách nút giao khoảng 100 m để đi Vũ Trọng Khánh.
Phương án tổ chức giao thông là vậy, nhưng theo anh Việt Hoàng, trú tại phường Dương Nội, tại nút giao này, để tiết kiệm thời gian đi lại, khi vắng bóng lực lượng chức năng, nhiều phương tiện xe thô sơ vẫn cố tình vi phạm giao thông tại khu vực này:
"Tầm từ 8 giờ mật độ phương tiện rất đông, tình trạng ùn tắc ở đấy tương đối nghiêm trọng, hướng từ Tố Hữu -Lê Văn Lương rất đông, ít nhất phải 2 nhịp đèn mới qua. Tình trạng vi phạm giao thông ở đấy tương đối cao, nhiều phương tiện xe máy cố tình rẽ, gây ra sự ùn tắc giao thông ở đấy", anh Hoàng cho biết.
Anh Nguyễn Văn Tình, trú tại Văn Quán phản ánh, vào giờ cao điểm chiều, tình trạng ùn cục bộ xảy ra ở hướng Lê Văn Lương- Tố Hữu. Các phương tiện ô tô xếp hàng dài cả trước và sau nút giao Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh, các phương tiện di chuyển chậm.
Anh Nguyễn Văn Tình nhận định về phương án phân luồng giao thông mới tại khu vực này so với trước đây: "Ngã tư Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh, xe ô tô phải đi vòng quay lại mới rẽ được vào Vũ Trọng Khánh, đi vòng ở đoạn xa nữa mới quay lại, đi vòng quá xa từ đoạn ngã 3 Vũ Trọng Khánh- Tố Hữu đến đoạn ô tô quay đầu lại quá xa, đoạn đó ùn tắc khá dài, riêng đoạn đấy cũng mất 15-20 phút. Xe máy quay đầu 1 đoạn gần hơn, còn ô tô quá xa. Phương án quay đầu ngay ngã ba là hợp lý hơn".
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, nút giao Tố Hữu- Vũ Trọng Khánh là một nút giao đặc biệt do có lưu lượng phương tiện rẽ trái lớn từ đường Tố Hữu vào đường Vũ Trọng Khánh. Quá trình thiết kế và quy hoạch tuyến đường, nút giao chưa lường trước lưu lượng phương tiện di chuyển qua nút giao này.
Do vậy, theo ông Tuấn, giải pháp cấm rẽ trái và chuyển các nút rẽ trái quay đầu sau nút không thể được coi là giải pháp dài hạn vì khi các phương tiện xếp hàng kéo dài ở nút tiếp theo sẽ gây ùn tắc dây chuyền, việc thực hiện quay đầu khó khăn hơn. Trong trường hợp thiết kế điểm quay đầu phải bố trí không gian đủ rộng, bán kính quay xe và dải phân cách giữa đủ lớn.
Để giải quyết tình trạng ùn cục bộ tại nút giao này, ông Tuấn đề xuất: "Trong trường hợp này nếu bố trí một cách khoa học, khi thiết kế nút giao thì cần phải xem xét đến việc bố trí, mở rộng cục bộ tại nút giao, trong đó bố trí các làn rẽ trái, trong ngắn hạn có thể bố trí 2 làn rẽ trái. Về dài hạn, nếu lưu lượng lớn hơn, có thể xem xét cả 2 phương án.
Việc cung cấp 2 làn rẽ trái và kết hợp mở rộng cục bộ là một giải pháp chúng ta cần cân nhắc xem xét, điểm quay đầu trên tuyến cũng phải mở rộng cục bộ và bố trí làn rẽ trái bằng việc mở rộng cục bộ nút giao".
Theo các chuyên gia đô thị, các quy hoạch, thiết kế đường giao thông cần phải được làm đồng bộ với quy hoạch đô thị. Các tuyến đường giao thông cần có sự tính toán kỹ lưỡng về nhu cầu đi lại, tính chất, hướng di chuyển của các dòng phương tiện để có sự thiết kế, quy hoạch cho phù hợp, tránh những xuất hiện những điểm ùn tắc mới tương tự, và thành phố lại phải loay hoay tìm giải pháp để giải quyết.