Sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng “điêu đứng” vì bất động sản 'đóng băng"

Trong bối cảnh, thị trường bất động sản “đóng băng”, các doanh nghiệp bất động sản mất cân đối về dòng tiền, chậm thanh toán… đã tác động trực tiếp đến hệ sinh thái toàn ngành, kéo theo các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều hệ lụy.

Chính phủ và các Bộ ngành cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng bởi ngành xây dựng gặp khó thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chậm theo, kéo giảm tốc độ phát triển kinh tế... 

Kinh doanh trong lĩnh vực thép xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty cổ phần Thép N.S.G không có đơn hàng nào để cung cấp cho các dự án bất động sản như những năm trước.

Ông Ngô Duy Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Thép N.S.G cho biết, do thị trường bất động sản “hãm phanh” các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng cũng eo hẹp đầu ra. Hiện, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, doanh thu về mảng bất động sản tăng trưởng âm.

Để bù đắp doanh thu, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm các đơn hàng mới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hướng vào các dự án đầu tư công…. để duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

“Từ đầu năm 2023 đến giờ, riêng về lĩnh vực liên quan đến bất động sản là không có đơn hàng để cung cấp cho các dự án bất động sản như những năm trước. Các dự án liên quan đến bất động sản không có doanh thu. Mình phải chọn sang một phân khúc thị trường khác, không tập trung vào mảng BĐS nữa mà chuyển sang làm hạ tầng. Công ty đang tập trung vào thị trường chính ở Miền Tây: các dự án cao tốc, hệ thống biến đổi khí hậu…”, ông Hưng nói.

Ảnh nh họa: VnEconomy

Không chỉ thép, các công ty sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng về gạch ngói cũng đang “thoi thóp”. Công ty Cổ phần Secoin là 1 ví dụ điển hình. Hiện sản lượng xuất khẩu của công ty này sụt giảm 70% do thị trường thế giới, ảnh hưởng của hậu Covid, chiến tranh. Còn đối với thị trường trong nước, sản lượng sụt giảm 60% do đối tượng chính là các dự án bất động sản.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: hiện 40% doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất rơi vào tình trạng “thở oxy”, hoạt động cầm chừng: “Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tập trung vào các dự án bất động sản thì hiện nay "đứng hình" một cách rất đột ngột. Do các chính sách của nhà nước, các dự án bất động sản ngừng một cách rất đột ngột dẫn tới các doanh nghiệp trong ngành cũng đứng theo.

Mặc dù đã lường trước thị trường có khó khăn nhưng sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp hiện nay là quá lớn. Đa số các doanh nghiệp hiện nay duy trì sản xuất từ 2-3 ngày hoặc là 1 nửa số thời gian trong 1 tuần. Lực lượng lao động phải cho nghỉ, sa thải, phải cơ cấu lại”.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng “điêu đứng”, các doanh nghiệp xây dựng, kể cả những nhà thầu lớn hàng đầu trong nước cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” này. Điển hình là Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Trong bối cảnh, thị trường bất động sản “đóng băng”, các doanh nghiệp bất động sản mất cân đối về dòng tiền, chậm thanh toán… đã tác động trực tiếp đến hệ sinh thái toàn ngành, kéo theo các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều hệ lụy - Ảnh nh họa: TTXVN

Ông Lê Viết Hải  - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM cho biết, khó khăn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của Hòa Bình, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công, tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người: 

“Trong 35 năm hoạt động trong ngành xây dựng của Hòa Bình, thì đây là thời kỳ có thể là khó khăn nhất. Đó là không nhận được thanh toán của các khách hàng. Khó khăn này khiến cho các doanh nghiệp hàng đầu về xây dựng không có đủ tiền để trả cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp, sản xuất, phân phối kinh doanh vật liệu xây dựng; nợ ngân hàng chuyển từ nhóm hai sang nhóm 3. Dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi không thể nào cải thiện được tình hình khi mà khoản nợ của chủ đầu tư lại càng tăng”.

Ông Lê Viết Hải cũng cho biết thêm: Trước mắt, các doanh nghiệp tự cứu mình, tự thân tìm các giải pháp giải quyết bài toán tài chính riêng cho doanh nghiệp: “Hòa Bình sẵn sàng thoái vốn, chuyển nhượng; sử dụng phương án thu hồi nợ bằng cách nhận lại các sản phẩm bất động sản của các nhà đầu tư bất động sản. Bằng giải pháp này, Hòa Bình cũng đã thu hồi nợ khoảng 1000 tỷ từ nhiều dự án khác nhau”

Theo Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế...

Các doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động và có nguy cơ phá sản do không cân đối được dòng tiền. Nếu trong năm 2023, thị trường không khả quan thì dự kiến có đến 50% số lượng doanh nghiệp trong ngành rời khỏi thị trường:

"Các công trình của nhà dân thì có nhiều người không dám xây, xây cũng xây cầm chừng, không dám xây tiến độ nhanh. Hiện tại bây giờ nhập thì không dám nhập, cái nguồn hàng trong kho thì không thể bán ra hết được".

"Bây giờ, chủ yếu là đầu việc cũ, đầu việc mới thì do vướng mắc về chính sách, về vốn … thì các chủ đầu tư không phát triển được dự án mới, công trình mới nên cũng ảnh hưởng chung đến các nhà thầu. Bây giờ, không có đầu việc mới thì phải thu vét những công trình cũ để duy trình hoạt động của doanh nghiệp".

"Có rất nhiều nhà thầu, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng liên quan nếu như bất động sản bị ngừng thì nhiều người bị ảnh hưởng không có việc làm. Rất mong là chính phủ có những chính sách về tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp, tìm cách “rã băng” thị trường bất động sản".

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tránh sự đổ vỡ dây chuyền bất động sản - xây dựng, vừa qua, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để “cầu cứu”.

Chia sẻ về kiến nghị này, Ông Lê Viết Hải - chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, cho biết: “Trước tiên, cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Thứ 2, tháo gỡ những vướng mắc về mặc pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, giúp cho họ dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm của mình.

Về lâu dài, có trang web công khai nh bạch các thông tin về giao dịch bất động sản, thị trường bất động sản, tình hình đầu tư, cấp phép, huy hoạch, phát triển dự án đô thị, hạn chế rủi ro trong đầu tư, tránh chỗ quá thừa chỗ quá thiếu”

Cấp “ô xy" để ngành xây dựng không bị hụt hơi và tăng tốc

Ảnh nh họa: Congthuong.vn

Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM mới đây đã gửi công văn” kêu cứu” tới Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tránh sự đổ vỡ dây chuyền từ bất động sản lan ra ngành xây dựng.

Điều này cho thấy, hệ quả mà thị trường bất động sản đóng băng, các dự án cũ và dự án mới đều không được triển khai trong suốt thời gian vừa qua đang đẩy hàng chục ngàn doanh nghiệp xây dựng vào thế điêu đứng, nguy cơ phá sản là rõ rệt. Hàng triệu lao động trong ngành không có công ăn việc làm; hàng hóa vật liệu xây dựng làm ra không có nơi tiêu thụ; các ngành dịch vụ khác đi theo cũng đóng cửa.

Giải quyết bài toán tổng thể này, hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể, chi tiết. Trong đó có việc hoãn nợ, khoanh nợ, giãn nợ; tái cấp vốn cho vay các dự án khả thi. Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thanh toán trái phiếu bằng bất động động sản để trả nợ. Thúc đẩy nhanh việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội để kích thích ngành vật liệu xây dựng phát triển theo.

Đồng thời Chính phủ cũng gợi mở, các doanh nghiệp dự án bất động sản  cần cơ cấu lại phân khúc nhà ở hài hòa, với giá cả hợp lý để những người có nhu cầu thực sự tiếp cận được. Giá nhà ở về với thực tế, đủ hấp lực để thu hút khách hàng mua vào.

Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương cũng tập trung vào đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các lĩnh vực xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng; phát triển vùng sản xuất. Đây chính là nguồn vốn mồi để lôi kéo ngành xây dựng và vật liệu xây dựng vào cuộc; giải quyết khó khăn trước mắt.         

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế để thực hiện các yêu cầu này, các doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp xây dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là tính pháp lý của các dự án, nhiều nơi không rõ ràng, ổn định nên khó được ngân hàng chấp nhận cho vay bổ sung. Nhiều doanh nghiệp ôm đồm, đầu tư vượt quá khả năng và năng lực vốn có nên khi không được bơm vốn là suy kiệt.

Trong khi cũng liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án, tình trạng sở, ngành đùn đẩy hay né tránh trong giải quyết hồ sơ vẫn còn. Có các cá nhân ở một số cơ quan quản lý sợ sai, sợ bị quy trách nhiệm nên không dám làm. Đây là những lực cản rất lớn, là điểm nghẽn không thể gỡ trong ngày một ngày hai.

Các dự án xây dựng vì thế tiếp tục nằm im không sao chuyển động để kéo theo các ngành tăng trưởng. Chưa kể tình trạng vật liệu xây dựng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ nguồn gốc, được bán tràn lan. Các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm uy tín, chất lượng không sao cạnh tranh nổi. Dự án đầu tư công nhiều nơi cũng lâm cảnh “ đứng hình”, tỷ lệ giải ngân thấp.

Tình trạng có tiền mà không tiêu được vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Cá biệt có dự án, công trình giao cho các nhà thầu thiếu năng lực về công nghệ, không đủ mạnh về tài chính nên kéo dài hết năm này qua năm khác. Có nhà thầu đã bị cắt thầu, thay thầu. Trong quá trình triển khai cũng có một số đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, chủng loại hoặc cố tình đưa sản phẩm dưới chuẩn vào, khiến bị lập biên bản vẫn diễn ra.

Đây là những hạn chế cần chỉ rõ để có cách nhìn và cách khắc phục triệt để từng dự án, công trình chuyển động nhanh hơn, về đích sớm hơn, tạo ra sức lan tỏa xốc dậy ngành xây dựng hồi phục.         

Rõ ràng vòng xoáy xuống dốc mang tính dây chuyền đang kéo nhiều lĩnh vực trong ngành xây dựng bị hụt hơi, rất cần được cấp “ ô xy “ để lấy lại đà và tăng tốc. Để làm được điều này, không chỉ là sự nỗ lực của ngành mà cần sự vào cuộc thực sự của nhiều cấp nhiều, ngành ngay lúc này.