Rút bảo hiểm xã hội một lần: Đừng lấy của để dành

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh, dành để trả lương hưu cho người lao động lúc về già. Nay với việc người lao động ồ ạt rút một lần vô tình sẽ gây ra gánh nặng an sinh về sau cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động.

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội  TP.HCM, 3 tháng đầu năm nay, đã có 37 ngàn hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được cho là do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, khiến nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chính vì vậy họ đành phải rút bảo hiểm xã hội với mong muốn trang trải phần nào trong cuộc sống của mình.

Vậy rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ có lợi hay hại cho người tham gia? Các cấp ban ngành đã có giải pháp nào trước thực trạng này?

Lao động mệt mỏi vì phải xếp hàng từ rạng sáng chờ nộp hồ sơ rút BHXH một lần tại cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 4/2022. Ảnh: Vnexpress

Sáng ngày 18/04 theo ghi nhận của phóng viên tại tại bưu điện Việt Á nằm trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM, từ rất sớm, hàng dài người đã xếp hàng đến nộp hồ sơ rút Bảo hiểm xã hội một lần.

Có mặt tại đây, anh Nguyễn Thái Uy, ngụ phường 12, quận 8 tỏ ra lo lắng khi lượng người đến nộp hồ sơ quá đông, cơ hội để anh được nhận hồ sơ hôm nay rất thấp: "Em đứng chờ cũng đã hơn 1 tiếng rồi, tại em qua trễ hơn người ta. Có rất nhiều người, chờ từ đầu giờ chiều tới bây giờ mà hồ sơ vẫn chưa lấy vô nữa nên nhiều người bức xúc rồi bỏ đi về”.

Tương tự, Trung tâm bảo hiểm xã hội TP.Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng quá tải, dòng người chờ nộp hồ sơ xếp dài từ sảnh đến tận ngoài cổng. Lực lượng chức năng phải dùng cả loa để thông báo đến người dân. Lần thứ 2 quay trở lại nộp hồ sơ, cô Thái Thị Hà tỏ rõ vẻ mệt mỏi: “Ở nhà 4 giờ rưỡi đi rồi, ở nhà chạy xuống đây nửa tiếng đồng hồ, mà đi 2, 3 ngày rồi mà vẫn chưa được nữa.”

Có rất nhiều lý do khác nhau khiến người lao động đành phải rút bảo hiểm xã hội dù đóng ít năm hay nhiều năm. Một trong những nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Anh Trần Anh Bằng, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn của đại dịch thì giờ đây anh cùng gia đình phải đối mặt với nỗi khó khác khi anh bị mất việc làm. Bảo hiểm xã hội, trở thành một trong những lựa chọn cuối cùng để anh Bằng rút được một khoản “tiền tươi”, lo chi tiêu trước mắt cho bản thân và gia đình: “Sau dịch em đâu kiếm được việc làm đâu, mà giờ mỗi tháng phải đóng hơn 400 nghìn tiền bảo hiểm xã hội thì hơi khó. Nên em quyết định rút bảo hiểm xã hội để phần nào trang trải cuộc sống, với lại sau khi có công việc làm ổn định thì em mới tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội mới”.

Vấn đề đặt ra lúc này là liệu rút bảo hiểm xã hội một lần liệu có lợi cho người lao động?

Người lao động làm thủ tục tại cơ quan bảo hiểm xã hội. Ảnh: ANTĐ

Một phép tính đơn giản, khi một công nhân trong công ty với mức lương 5 triệu/tháng thì người lao động mỗi tháng phải đóng 400 nghìn tiền BHXH và công ty nơi công nhân làm việc sẽ đóng phụ trợ thêm một phần nữa. Đến khi về già người lao động sẽ được hưởng 3.750.000 đồng mỗi tháng. Hơn nữa còn có những lợi ích khác như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp…

Đồng ý rằng BHXH sẽ thu một phần tiền của người lao động nhưng bên cạnh đó vẫn còn một phần bắt buộc doanh nghiệp phải đóng cho người lao động và sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đây được xem là chính sách an sinh đối với người lao động, vậy nên nếu rút bảo hiểm xã hội một lần cũng đồng nghĩa với việc người lao động đã từ chối chính sách an sinh xã hội khi về già.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH TP.HCM nhận định: “Rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có lợi trước mắt cho người lao động tuy nhiên sẽ không có lợi về mặt lâu dài để hưởng chế độ hưu trí. Bởi vì, khi nghỉ hưu thì chúng ta sẽ có tiền lương hưu trí hàng tháng, ngoài ra còn có bảo hiểm y tế để chăm lo sức khỏe khi cao tuổi, thì nó sẽ phần nào đỡ chi phí cho bản thân, gia đình và cả xã hội”.

Vậy phải chăng người lao động từ chối chính sách an sinh cho bản thân khi tham gia bảo hiểm xã hội hay chính bảo hiểm xã hội không đủ sức hấp dẫn đối với người lao động để từ đó người lao động không mặn mà với chính sách này?

Một thực tế 15 năm qua Luật Bảo hiểm xã hội đã trải qua 2 lần sửa đổi. Với Nghị quyết 93 thì người lao động được phép rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, dường như đến thời điểm hiện nay, việc làm thế nào để người lao động giữ lại khoản để dành dường như vẫn chưa có lời giải.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, cần có chính sách đi trước và dự báo được những khó khăn của người lao động, từ đó mới mong người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần mỗi khi nghỉ việc hay gặp khó khăn trong cuộc sống: “Nếu họ xài hết của để dành thì còn gì là an sinh nữa, còn gì là chăm sóc cho người lao động nữa, cho nên chính sách chúng ta phải đi trước và dự báo được sự khó khăn của người lao động. Một vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta phải sửa đổi để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động”.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Văn Trung, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Thủ Đức cho rằng, chính phủ cần có những chính sách về lương hưu tử tuất hấp dẫn hơn để giữ chân người lao động tham gia lâu dài với bảo hiểm xã hội: “Quốc hội và chính phủ cũng nên xem xét để chế độ Bảo hiểm xã hội đặc biệt là chế độ về hưu trí tử tuất có những chính sách hấp dẫn hơn, và có những đề nghị về chính sách để được hưởng lương hưu sẽ ngắn hơn để từ đó người ta hưởng chế độ này kịp thời để người ta có thể nhìn thấy được một tương lai gần hơn”.

việc người lao động ồ ạt rút một lần vô tình sẽ gây ra gánh nặng an sinh về sau cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động. Ảnh: Tuổi trẻ

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh, dành để trả lương hưu cho người lao động lúc về già. Nay với việc người lao động ồ ạt rút một lần vô tình sẽ gây ra gánh nặng an sinh về sau cho xã hội, gia đình và chính bản thân người lao động.

Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân để họ biết được lợi ích thì cũng cần tạo niềm tin cho người lao động với các chính sách như hưu trí, tử tuất, BHYT... song song với nghiên cứu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm thì cũng cần có chế tài mạnh, quản lý chặt chẽ tránh doanh nghiệp viện cớ phá sản để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Đừng lấy của để dành”.

Tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) bản chất là câu chuyện “của để dành” cho tương lai, nhất là với người già lúc ốm đau, bệnh tật sẽ được hưởng sau khi về hưu.

Đại dịch covid-19 khiến nền kinh tế đóng băng, cuộc sống của nhiều người lao động, công nhân tại các công ty tư nhân, liên doanh bị tê liệt do mất việc làm nhưng vẫn phải tiếp tục trang trãi tiền trọ, sinh hoạt, điện nước. Nhất là tại các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… là những khu vực tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp và chủ yếu là dân nhập cư, lao động yếu thế. Vì lẽ đó, nếu không có tiền dự trữ, họ buộc phải nghĩ đến việc rút BHXH một lần.

Nhìn lại những năm trước đây cũng có hiện tượng rút BHXH một lần. Người lao động dùng số tiền sau 10 đến 15 năm làm việc để đầu tư, làm ăn trước mắt. Thế nhưng nhiều trường hợp về già phải trắng tay, thậm chí không có sự giúp đỡ của con cái khi cuộc sống khó khăn.

Dù nhiều người cũng nhận thức rõ những ảnh hưởng bất lợi nhưng với thu nhập thấp, không có tích lũy, bữa cơm ngày càng đắt đỏ buộc lòng họ phải làm việc chẳng đừng.

Ngoài áp lực kinh tế, phải nhìn nhận chính sách bảo hiểm còn dễ dãi trong quy định rút BHXH một lần. Trước đây, Luật BHXH 2006 cho phép người lao động được rút một lần nếu sau một năm nghỉ việc. Việc này khiến số người "rút một cục" tăng hơn gấp 4 lần người hưởng lương hưu. Do đó, Luật BHXH năm 2014 đã bỏ quy định rút một lần.

Song khi vừa vấp phải kiến nghị của người lao động, Quốc hội đồng ý cho lao động hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu tại Nghị quyết số 93. Điều này đã không thúc đẩy được người lao động bảo lưu chờ lương hưu. Mặt khác nữa, pháp lý quy định thời gian đóng bảo hiểm quá dài cho tuổi về hưu. Trong khi người làm việc trong môi trường không ổn định, không thể chờ đợi quá lâu để hưởng lương hưu khi về già.

Việc này đòi hỏi các cơ quan quản lý là Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần có biện pháp trước mắt và lâu dài; trong đó phải giải quyết kịp thời chính sách an sinh xã hội, nhất là trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp gói an sinh covid-19 một cách nhanh chóng. Đồng thời, nhà nước phối hợp doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm để thu hút người lao động tạo ra thu nhập.

Song song đó, nhà nước cần điều chỉnh luật BHXH, rút ngắn thời gian đóng BHXH về hưu; cũng như thực hiện các chế định để hạn chế việc rút BHXH một lần dễ như hiện nay, tránh tình trạng bị phản ứng khi “xiết lại” việc rút BHXH 1 lần như trước đây.

Các giải pháp kèm theo sau đó là tuyên truyền đến doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động; tuyên truyền người dân yên tâm sản xuất, không hoang mang rút BHXH một lần để chi trả trước mắt. Muốn được như vậy, ngành BHXH cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi tuổi cao, gặp ốm đau, tai nạn.

Đặc biệt điều kiện hưởng lương hưu dễ hơn và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác đi kèm nhằm giữ chân họ trong hệ thống BHXH.

Chi tiêu BHXH một lần chính là chi tiêu mất tương lai. Vì vậy, bằng kinh nghiệm sống của mình, người lao động cần hết sức cân nhắc và phải tính toán cả lợi ích trước mắt lẫn lâu dài trước khi quyết định./.