Rùa bò cao tốc

Chúng ta thường chỉ lo lắng với việc bị xử phạt vì chạy quá tốc độ, mà không bận tâm tới việc chạy chậm hơn tốc độ cho phép trên các tuyến đường cao tốc. Việc chạy xe quá chậm trên cao tốc, là hành vi tham gia giao thông thiếu trách nhiệm.

Có một điều khoản thuộc Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông mà tôi nghĩ là không nhiều người biết đến sự tồn tại của nó. Bởi với những gì tôi thấy được hằng ngày, khi mỗi lần tôi đi trên các đường cao tốc hay đường liên tỉnh, phải có đến 50-60% số phương tiện đang lưu thông trên cao tốc vi phạm điều này.

Cụ thể, điều khoản này quy định như sau: theo mục B, khoản 2, điều V của Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng, với hành vi điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn xe khác cùng chiều, mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ khi các xe khác chạy vượt quá tốc độ cho phép.

Ví dụ bạn lái xe chạy với tốc độ 115 km/h trên đường cao tốc có tốc độ tối đa là 120 km/h, mà bạn lại cố tình đi vào làn trong cùng bên trái, bạn không rẽ ra làn ngoài cùng bên phải để các xe khác có thể đi được, thì hành vi đó của bạn đã vi phạm luật giao thông.

Trên các con đường của chúng ta, một trong những vấn đề lớn nhất chính là câu chuyện ‘’xe chạy với tốc độ rùa bò’’ cản trở phương tiện đi đằng sau (Ảnh nh họa: Thanh Niên)

Trên các con đường của chúng ta, một trong những vấn đề lớn nhất chính là câu chuyện ‘’xe chạy với tốc độ rùa bò’’ cản trở phương tiện đi đằng sau.

Không khó khăn để có thể nhìn thấy trên các cao tốc những xe chạy tốc độ 40-50 km/h trên tuyến đường được quy định 80 km/h; hay có xe chạy với tốc độ 60-70-80 km/h trên những con đường được phép chạy 100 km/h.

Và kết cục là trên các tuyến cao tốc của chúng ta, thỉnh thoảng lại có những đoạn giao thông lâm vào tình trạng mà tôi gọi một cách hình tượng là ‘’bị vón cục lại’’, bởi 1-2 chiếc xe chạy với tốc độ chậm hơn tốc độ tối đa.

Và việc đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến năng suất lưu thông của phương tiện trên cao tốc.

Ảnh nh họa: Thanh Niên

Thứ nhất, cao tốc là nơi mà mọi người sẵn sàng trả tiền để được điều khiển phương tiện với tốc độ cao hơn, tốn ít thời gian hơn, tiết kiệm tiền hơn. Nhưng nếu lên đó mà lại phải chạy với tốc độ chậm, thì rõ ràng là ảnh hưởng.

Thứ hai, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến an toàn. Bạn hãy hình dung, khi bạn vào đường cao tốc có tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, khi bạn đạt được tốc độ cho phép đó, bỗng dưng có 1-2 xe ngay trước mặt bạn đi với tốc độ 80 km/h, thì chỉ một phút, một giây lơ đãng, hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn.

Tôi cho rằng, mức phạt 400.000 đến 600.000 đồng có lẽ là quá thấp so với tác hại của hành vi này gây ra. Nhưng đó lại là một hành vi vi phạm mà hầu như chưa thấy ai nói về nhiều về chuyện bị xử phạt.

Bên cạnh việc có các camera, các phương tiện theo dõi, để giám sát giao thông thông nh trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, thì các cơ quan chức năng, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần liên tục triển khai tuần tra, kiểm soát, để có thể xử phạt nghiêm, phạt nguội các trường hợp như vậy. Để ít nhất là giúp cho giao thông trên các quốc lộ, cao tốc sẽ đi vào quy củ.

Đồng thời, giúp các cao tốc, quốc lộ phát huy được vai trò của chính nó, ở đó việc tham gia giao thông sẽ tốn ít thời gian của xã hội hơn và tiết kiệm được công sức của xã hội. Và hơn thế, tạo ra được thói quen tham gia giao thông một cách có trách nhiệm hơn của từng người lái xe./.