Quý I/2017: Vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

VOVGT - Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, dù TNGT 2 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm 2016, song tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp.

Nghe nội dung chương trình tại đây:

 

Chiều 16/3, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATGT quý I/2017 và nhiệm vụ quý II/2017. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, dù TNGT 2 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm 2016, song tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 3 tỉnh tăng trên 100% như là: Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT càng đặt ra cấp thiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa chủ trì Hội nghị. Ảnh: Báo Giao thông

Lý giải về việc tổ chức hội nghị sơ kết quý 1 sớm hơn thường lệ, trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng trong quý 1/2017, tình hình trật tự ATGT diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm và tuần đầu tiên của tháng 3 liên tiếp xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Ngay trong sáng 16/3, trên địa phận tỉnh Hà Nam đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết và 16 người bị thương. Điều đó phần nào cho thấy tình hình TNGT đang diễn biến rất phức tạp.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 2 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 3.400 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, từ đầu năm toàn quốc đã xảy ra 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương 62 người; xảy ra một số vụ cháy xe kinh doanh vận tải và phương tiện thủy chở khách du lịch khiến dư luận hoang mang, lo ngại...

Đánh giá về kết quả nêu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân của tình hình TNGT hiện nay, trong đó phải gắn trách nhiệm người đứng đầu vào việc kiềm chế TNGT. Phó Thủ tướng nhấn mạnh:

 

Đề cập vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn vào sáng 16/3 làm 3 người chết và 14 người bị thương, đại diện UBND tỉnh Hà Nam cho biết, UBND tỉnh đã thăm hỏi gia đình có người chết và những người bị thương, đồng thời chỉ đạo các lực lượng tập trung cao nhất cho việc cứu chữa người bị thương. Nếu không kể vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, 2 tháng đầu năm, về cơ bản TNGT ở Hà Nam đã giảm cả 3 tiêu chí. Đại diện tỉnh Hà Nam nói về kinh nghiệm thực hiện:

 

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng giữa xe đón dâu và  xe tải tại Hà Nam sáng 16/3. Ảnh: Báo Giao thông

Về việc xóa điểm đen TNGT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay Tổng cục đã xử lý 112 điểm đen TNGT, ngoài ra đã sơn lại đường, gờ giảm tốc để phòng ngừa TNGT tại hàng trăm vị trí. Hết năm 2017, dự kiến sẽ xử lý được khoảng 350 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.

Tuy nhiên, theo ông Huyện, nguy cơ TNGT không chỉ đến từ bất cập về hạ tầng, mà rất nhiều trường hợp đến từ ý thức của người điều khiển phương tiện. Ông Huyện nói:

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo ATGT 3 tháng đầu năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, tình hình TNGT được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Hoạt động vận tải phục vụ nghỉ tết và lễ hội xuân cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian qua trên địa bàn cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt; Còn để xảy ra một số vụ cháy tàu thủy chở khách du lịch, gây hoang mang trong dư luận.

Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, để kiềm chế TNGT xuống mức thấp nhất, thời gian tới, các địa phương cần thực hiện một loạt các giải pháp như: rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; siết chặt việc thực hiện các quy định về an toàn kỹ thuật của phương tiện... Phó Thú tướng nhấn mạnh:

 

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm TTATGT, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát hiện các trường hợp vi phạm, tăng cường xử lý phạt nguội để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày cuối mỗi quý về kết quả xử phạt nguội.