Quy hoạch điện VIII: Bước ngoặt trong chuyển dịch năng lượng

Sau 2 năm soạn thảo công phu, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 500/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gọi tắt Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện này có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển ngành điện trong tương lai? và đặc biệt, cơ hội cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện?

Quy hoạch điện VIII khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh nh họa

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Hội Điện lực Việt Nam cho biết, so với các Quy hoạch điện trước đây, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ và các Bộ, Ban ngành xem xét trong suốt 2 năm nên những định hướng, mục tiêu phát triển ngành điện được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Quy hoạch điện VIII không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành điện lực, mà còn là cơ sở để Việt Nam thực hiện những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới:

"Bất kỳ một cái quy hoạch nào cũng nhằm mục tiêu cuối cùng đảm bảo được cung ứng năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng. Trong Quy hoạch điện VIII, vai trò năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió... giữ một vị trí rất đáng kể trong cân bằng năng lượng của toàn quốc. Việc phát triển mạnh như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đóng góp vào những mục tiêu mà Nhà nước ta đã cam kết các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, về phát triển năng lượng xanh", Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Trần Đình Long cho biết.

Ông Long cũng cho rằng, những mục tiêu được đưa ra trong Quy hoạch về việc giảm tỷ lệ điện than xuống 20% vào năm 2030 và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2050 là có tính khả thi. Tuy nhiên, đi kèm với đó, cần có sự đầu tư khá lớn cho các nguồn điện thay thế như điện gió, điện mặt trời… cũng như đầu tư vào các thiết bị làm sạch ô nhiễm của các nhà máy điện than trong thời gian chưa thực hiện đóng cửa hoàn toàn.

Điện là ngành hạ tầng quan trọng, sự phát triển của điện lực có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới sự phát triển sản xuất, kinh tế của mỗi quốc gia.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia độc lập  nhấn mạnh: "Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa rất lớn. Nó là căn cứ cho ngành điện để phát triển các các nguồn điện và lưới điện đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, liên tục phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế của các ngành. Nó là cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp điện được an toàn, đồng thời phục vụ cho việc hợp tác xuất nhập khẩu của năng lượng Việt Nam".

Theo TS Ngô Đức Lâm, Quy hoạch điện 8 được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Trong khi, đây là nguồn năng lượng phong phú rất lớn, nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể tự chủ về nguồn cung cấp điện.

Việc đốt nhiên liệu trong ngành điện than chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 của Việt Nam. (Ảnh nh họa)

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng luật sư NHQuang cho rằng, Quy hoạch điện VIII là một kênh rất quan trọng để Nhà nước, các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện, phát triển các dự án điện và tạo sự thuận lợi cho sự phát triển nguồn điện một cách bền vững, chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam sang một nền kinh tế carbon thấp. Thông qua việc thay đổi cơ cấu trong nguồn điện, quy hoạch sẽ tạo cơ hội phát triển cho các nguồn năng lượng tái tạo, cho các doanh nghiệp sản xuất điện phục vụ cho nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam.

Bàn về những tác động đến sự phát triển của ngành điện trong thời gian tới khi các dự án truyền tải điện trong Quy hoạch VIII được thông qua, Luật sư Nguyễn Hưng Quang phân tích: "Nếu như phát triển các dự án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho  việc giải tỏa công suất của các dự án phát điện, đặc biệt là các dự án phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hiện có của một số địa phương đang có sự phát triển chưa đồng bộ và dẫn đến quá tải trong dự án truyền tải. Quy hoạch đã đưa ra những dự án truyền tải điện rất cụ thể.

Tuy nhiên, để chúng ta có thể kêu gọi được khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án truyền tải, chúng ta cũng cần phải xác định rõ các cơ chế, các phương pháp tính về giá truyền tải, phương pháp đầu tư, các quy định liên quan đến đầu tư dự án truyền tải, cấp phép đầu tư trong dự án truyền tải".

Một số chuyên gia cho rằng, điểm đặc biệt của Quy hoạch điện VIII được xây dựng với một phương pháp, một định hướng hoàn toàn khác. Quy hoạch điện lần này không chỉ rõ các dự án điện, các nhà đầu tư đối với từng dự án cụ thể mà chỉ đặt ra những yêu cầu, những định hướng, khung phát triển của các nguồn phát điện. Chính vì vậy, để có thể tổ chức triển khai được Quy hoạch điện VIII cần có một lộ trình và những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện.

Điện khí là nguồn điện mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch Điện VIII. Ảnh: Báo Đầu tư

Quy hoạch điện VIII là một cuộc cách mạng, chuyển dịch năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái mới về năng lượng lấy năng lượng tái tạo, hay năng lượng xanh, năng lượng sạch làm trung tâm. Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và thực hiện các mục tiêu đã đề ra về việc giảm phát thải ròng.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: Thay đổi cơ cấu phát triển điện, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu kép.

 

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2010 phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính, tăng lên mức 83% vào năm 2020 và dự kiến tăng lên khoảng 86% vào năm 2030.

Còn theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát thải khí nhà kính của riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (điện than) của Việt Nam chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) 26, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết này, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm phát thải nhà kính, trong đó có việc ban hành Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050 với mục tiêu tổng phát thải các-bon trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp chỉ còn khoảng 185 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) – cân bằng với lượng hấp thụ các-bon đạt được từ lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất.

Trong đó, nhiệm vụ căn bản nhất của lĩnh vực năng lượng là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả,và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII với quan điểm “phát triển điện  phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp’’ thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thực hiện những cam kết giảm đã đưa ra tại COP26.

Quy hoạch điện VIII là một cuộc cách mạng, chuyển dịch năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái mới về năng lượng lấy năng lượng tái tạo, hay năng lượng xanh, năng lượng sạch làm trung tâm.  Cụ thể, cơ cấu nguồn điện đã có sự dịch chuyển về tỷ lệ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang lĩnh vực năng lượng tái tạo

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và định hướng đạt tỷ lệ năng lương tái tạo lên đến 67,5-71,5% vào năm 2050, trong khi nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 20% và giảm xuống 0% vào năm 2050.

Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện và thực hiện các mục tiêu đã đề ra về việc giảm phát thải ròng.

Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa bản Quy hoạch điện 8, các chuyên gia cho rằng trước hết cần xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng lĩnh vực điện và từng địa phương.

Trong đó, đưa ra những giải pháp thực hiện chuyển dịch năng lượng, trọng tâm chuyển đổi từ nhiên liên hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới, hạn chế tối đa phát triển những dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu);  Xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo là điều cần thiết.

Song song với đó, cần xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.

Điện là nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Đây cũng là ngành có lượng khí phát thải khí nhà kính lớn nhất trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Do vậy, định hướng và lựa chọn đúng và trúng các dự án điện lực  hạn chế sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hay ít gây tác động đến môi trường sẽ là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo  nguồn cung an ninh năng lượng quốc gia, vừa có thể thực hiện các cam kết quốc tế. về giảm khí phát thải nhà kính.