Quy định xả trạm khi ùn tắc kéo dài: Cần cơ chế kiểm soát để đảm bảo thực thi

VOVGT- Phải mở cửa xả trạm BOT nếu xảy ra ùn tắc. Đây là yêu cầu của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ùn tắc tại BOT Cai Lậy

Theo quy định hiện hành, để đảm bảo giao thông qua các trạm thu phí được thông suốt và an toàn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc.

Với các trạm thu phí có nguy cơ ùn tắc, nhất là khu vực cửa ngõ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trước mỗi dịp Lễ, Tết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều yêu cầu đơn vị quản lý trạm cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện trong việc mua vé và phải mở barie giải tỏa phương tiện rong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm.

Tuy nhiên, những phản ánh được gửi tới VOVGT vào mỗi dịp Lễ, Tết cho thấy, quy định này đã không được thực hiện một cách nghiêm túc:

 

# “Đường cao tốc Pháp Vân bị tắc kéo dài, mà ùn tắc bao nhiêu cây thế này mà không tháo soát vé cho người ta đi. Tôi nghe thấy nói ùn tắc mấy cây là phải tháo soát vé mà”

# “Ùn tắc vào dịp Tết là không tránh khỏi bởi mọi người cùng về quê một lúc, các xe xếp hàng dài vài km; nhưng trạm BOT chỉ tìm cách kéo dài quãng đường phương tiện phải đi như bò trên đường chứ không hề xả trạm”.

>>>Không giãn tiến độ thu phí không dừng

Theo Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu các trạm thu giá BOT không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng; mức phạt cao nhất đối với trạm thu giá để xảy ra ùn tắc có thể lên đến 70 triệu đồng. Vậy vì sao các trạm thu phí, khi xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài thì chủ đầu tư quyết không “xả trạm”.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội lý giải:

 

“Việc quy định xử phạt đối với các trạm BOT không thực hiện xả trạm hiện nay còn quá thấp. Theo quy định là phạt tiền từ 50-70 triệu đồng nếu trạm BOT không thực hiện xả trạm khi xảy ra ùn tắc, tuy nhiên vì mối lợi quá lớn, họ có thể thu được nhiều tỷ đồng nên các trạm BOT chấp nhận nộp phạt như không chịu xả trạm. Vì thế để giảm thiểu tình trạng này, tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả hơn”.

Các trạm thu phí phải “xả trạm” nếu xảy ra tình trạng ùn tắc.

Lo lắng về những khó khăn có thể gặp phải khi chuyển vào dịp nghỉ Lễ 30/4 tới đây, Anh Nguyễn Ngọc Hà, ở Ba Đình, Hà Nội nêu kiến nghị:

 

“Tôi mong rằng Bộ GTVT và các đơn vị quản lý phải có biện pháp giám sát. Nhiều lần nghỉ lễ gặp cảnh xe ô tô ùn dài cả chục cây số, có bao giờ xả trạm đâu. Mỗi lần như vậy khổ lắm, mất 3, 4 tiếng đồng hồ chôn chân trên đường. Nếu có cơ quan quản lý có mặt tại hiện trường nhắc nhở, yêu cầu xả trạm kịp thời thì người dân đi lại sẽ bớt khổ”.

Về cơ chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả hơn cho vấn đề này, theo đóng góp từ Luật sư Nguyễn Danh Huế, chúng ta cần Luật hóa khái niệm thế nào là ùn tắc giao thông, căn cứ dựa trên thời gian hay quãng đường ùn tắc thì cần thống nhất.

Thứ hai khi đã rõ ràng về quy định thì cần tăng mức xử phạt đối với các trạm BOT không thực hiện quy định, không chỉ dừng ở việc phat tiền mà phải gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung như nếu trạm nào vi phạm sẽ bị yêu cầu dừng thu phí sau đó 1 tuần hoặc 1 tháng, để nhằm vào một lợi ích lớn hơn khiến các trạm thu phí phải chấp hành nghiêm quy định.

Thứ 3 là cần gắn trách nhiệm và xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ của những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý các trạm BOT để nâng cao ý thức của người thực thi công vụ. Với những giải pháp nâng cao và hài hòa để giải quyết vấn đề này thì quy định mới có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Như vậy đã có quy định, có tiêu chí để yêu cầu các trạm thu phí phải “xả trạm” nếu xảy ra tình trạng ùn tắc. Có lẽ vấn đề vướng mắc hiện nay là lực lượng nào sẽ đóng vai trò xác định, kiểm tra, giám sát để xác nhận về tình trạng ùn tắc trước trạm thu phí mà đảm bảo khách quan, để cơ quan chức năng có cơ sở xử phạt đối với các trạm BOT không thực hiện đúng quy định.

>>>Cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm BOT để tránh ùn tắc dịp Tết