Quỹ bình ổn xăng dầu, đã đến lúc “dỡ bỏ”? (Phần 1)

Sau 14 năm vận hành quỹ có những ưu nhược điểm gì? Đã đến lúc cần dừng lại và chuyển đổi sang cách thức quản lý xăng dầu khác chưa?

Sau 14 năm vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG) kể từ khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, cùng với việc sửa đổi và ban hành Nghị định mới thay thế (là Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP) - và hiện nay đang sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc: 

"Hiện giá xăng dầu của nước ta, việc tính toán và điều hành theo giá xăng dầu thế giới. Mà giá thế giới chúng ta biết rồi, nó luôn luôn có những biến động bất thường và rất khó lường, không chỉ do các yếu tố cung cầu mà còn có cả yếu tố địa chính trị tác động. Để ngăn ngừa tác động tự phát của giá thế giới vào giá thị trường trong nước thì trong các biện pháp điều hành có hình thành quỹ bình ổn giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô".

Ảnh nh họa

Còn chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định Nhà nước vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng phải đảm bảo bình ổn cũng như đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Do đó việc vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua là để nhà nước có thể tham gia vào hoạt động điều tiết của thị trường xăng dầu. Dù chúng ta có nhiều chính sách để điều tiết như thuế hay định mức, cách thức tính toán giá để điều tiết thị trường nhưng cũng rất khó khi áp dụng vào xăng dầu. Ví dụ muốn can thiệp để hạ giá ngay được thì cần một lực lượng tài chính để can thiệp kịp thời.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ví dụ về việc này: "Trong thực tế năm 2022 khi giá xăng dầu thế giới tăng vọt ngay những tháng đầu năm tăng 30-40%. Thực tế nó là cái tăng đột biến sau xung đột chính trị và sau đó có giảm. Nhưng chúng ta biết rằng ngay lúc đó với việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu can thiệp vào giá thị trường đã làm cho tốc độ tăng trưởng của giá xăng dầu trong nước chậm hơn tốc độ tăng trưởng của giá xăng dầu thế giới. Đánh giá là chậm hơn 12% so với mức tăng của thế giới. Như vậy trong khoảng 2-3 tháng ta đã có thể hỗ trợ cho giá xăng dầu tăng chậm hơn. Từ đó đem lại lợi ích cho hoạt động nền kinh tế tương đối ổn định hơn"

Còn lật ngược lại sự ra đời Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong ghi nhận bối cảnh ra đời của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là do yêu cầu về đảm bảo sự ổn định giá xăng dầu trong bối cảnh có nhiều biến động.

Tuy nhiên, ông đánh giá cơ sở lý luận thực tiễn cho sự hình thành quỹ này chưa thực sự chín muồi. Nó chỉ kế thừa kinh nghiệm của một quỹ bình ổn giá thời kỳ đầu đổi mới chúng ta đã có và sau đó đã bỏ. Nó không dựa trên bất kỳ kinh nghiệm nào khác, kể cả của thế giới.

"Thực chất quỹ này chỉ là một dạng ghi sổ các chủ đầu mối xăng dầu lớn là quản lý giá khi mà mua vào hoặc bán ra là đều thực hiện các hoạt động và trích lập quỹ bình ổn này mà không phải là quỹ tập trung, không có hệ thống hạ tầng riêng biệt. Cơ chế quản lý hóa đơn giản chỉ là doanh nghiệp tự thu tự chi và sau đó báo cáo cho các tổ liên ngành cũng như cơ quan chức năng để họ xem xét. Thứ hai, thế hệ mà hoạt động của nó là hoàn toàn dựa theo cái chỉ đạo của tổ liên ngành khi quyết định trích lập, hay xả quỹ  với một thời gian cũng như là mức độ xả như nhau. Điều này nó cho thấy rằng là cái cơ chế đó rất bất cập", TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Từ 4/1/2024 đến nay, giá xăng có 8 lần tăng, 6 lần giảm. Còn dầu diesel có 9 lần tăng, 6 giảm. Hiện mỗi lít RON 95-III đắt hơn 2.890 đồng, còn dầu thêm 1.620 đồng so với đầu năm. Tương ứng, giá xăng tăng 13%, dầu tăng 8% trong giai đoạn này.

Dù vậy, từ kỳ điều hành ngày 23/10 năm ngoái đến nay, nhà chức trách liên tục không chi sử dụng quỹ bình ổn. Hiện số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước, theo Bộ Tài chính.  Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn dư quỹ cao thì vẫn có những đầu mối đang “âm” quỹ hàng chục tỷ đồng.

Trước những ý kiến cho rằng việc tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp chưa công bằng, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng cơ chế hình thành Quỹ bình ổn giá thu nhiều hay ít, chi nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào sản lượng xăng dầu mua vào bán ra. Đây không phải chuyện thu lập quỹ hay chi sử dụng không công bằng, mà cái gốc là:

"Đây không phải là chuyện thu lập quỹ hay chi sử dụng nó không công bằng, mà cái gốc của nó trước hết là ở hạn mức nhập vào do Bộ Công Thương phân giao cho các đầu mối. Cho nên Bộ Công thương cần có đánh giá, có kiểm tra để có biện pháp điều tiết cho phù hợp. Đặc biệt là xem có góc khuất về việc này có những đầu mối nhập về ít hoặc không theo theo hạn mức được phân giao nhưng rồi lại mua bán lòng vòng với số lượng lớn hơn số lượng mà mình được phân giao nhập vào để được chi QBOG nhiều hơn, dẫn đến quỹ âm để mà có sự tiếp thu, chỉnh lý cho nó phù hợp"

Thời gian qua, hàng loạt vi phạm của "ông lớn" trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được Thanh tra chính phủ kết luận. Liệu đã đến lúc bỏ Quỹ hay chưa? Nếu vẫn giữ thì cần cơ chế quản lý ra sao? Trong bài ngày mai, CĐTT sẽ phân tích. Mời quý vị đón nghe.