Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7 từ 1/7/2022?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Đáng chú ý, từ 1/7/2022, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, nhà thuốc… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền và kết nối với cơ quan thuế 24/7.

Việc kết nối này được xem là một trong những giải pháp chống thất thu thuế, cũng để nh bạch trong quản lý, đặc biệt là nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Theo đó, các hộ kinh doanh này sẽ không bị cơ quan thuế áp đặt, ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp mà sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế.

Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Quy định máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế dự kiến áp dụng từ tháng 7/2022

PV: Việc cơ quan thuế có thể quản lý được doanh thu của các hộ kinh doanh, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ- vui chơi giải trí… thì sẽ góp phần như thế nào trong việc tính đúng, tính đủ tiền thuế, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Phong: Trước hết, ta phải ghi nhận rằng hoạt động thu thuế gần đây của chúng ta đã có nhiều cải tiến và thuận lợi trong công tác hành chính thuế.

Việc kết nối các máy tính tiền với cơ quan thuế thì thế giới đã làm từ lâu rồi, để đảm bảo việc nh bạch hoá, chính xác hoá các hoạt động thanh toán mà phát sinh thuế để cơ quan thuế có thể thu được.

Cộng với hoá đơn điện tử thì việc này sẽ giúp cho các hoạt động giao dịch kinh doanh, thanh toán của các cơ quan, hộ thuế sẽ trở nên nhanh, thuận tiện và chính xác hơn. Đây là một trong những nỗ lực của ngành thuế và cũng là một trong những định hướng phát triển theo hướng hiện đại hoá và hội nhập.

Đồng thời, việc này cũng giúp hạn chế việc trốn thuế và giúp cho hoạt động thu thuế tránh bị thất thu do những rủi ro đạo đức của nhân viên ngành thuế.

Các đối tượng thực hiện ở đây là những hộ kinh doanh lớn, ví dụ siêu thị, thứ 2 là áp dụng cho những doanh nghiệp lớn, hộ thuế lớn. Đây có lẽ là bước đầu tiên để triển khai hoạt động thu thuế kiểu mới này. 

PV: Sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai, kết nối hệ thống quản lý bán hàng tại các cơ sở kinh doanh đến cơ quan thuế. Vậy theo ông, cơ quan thuế cần lưu ý những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Minh Phong: Để quy định này có thể được thực hiện một cách hiệu quả thì điều quan trọng nhất ở đây là sự kết nối, có được thông suốt hay không, có thể kết nối tất cả các hộ kinh doanh, đơn vị được hay không, có hoạt động trơn tru hay không?

Thứ hai, liệu có kẽ hở nào trong việc hình thức thì kết nối nhưng thực chất lại không chia sẻ thông tin. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo công tác thu thuế mang tính chất khách quan cũng như đem lại hiệu quả cao.

Thứ ba nữa là những hoạt động chế tài, thanh tra kiểm tra. Càng có nhiều hoạt động thanh tra kiểm tra, chế tài nghiêm thì các hộ kinh doanh càng thực hiện tốt hơn để tránh trường hợp họ sẽ bị phạt nặng nếu phát hiện sai sót, ăn gian.

Và cuối cùng, cần phải lên phương án trong trường hợp mất điện hoặc những trường hợp trục trặc kỹ thuật trong quá trình thanh quyết toán và kết nối 24/7. 

PV: Xin cảm ơn ông!