Phụ huynh tấp nập đăng ký lớp tiền tiểu học cho con

Tháng 9 năm nay, các bé sinh năm 2017 năm cuối bậc mầm non sẽ bước vào lớp 1. Nhưng ngay từ bây giờ, tức là trước thời điểm đó khoảng nửa năm, các bậc phụ huynh ở Hà Nội đã “chạy đôn chạy đáo” đi tìm lớp học luyện chữ tiền tiểu học cho con.

Xung quanh nội dung khóa học thêm này, có những luồng quan điểm khác nhau.

Thời điểm trao đổi với PV VOV Giao thông, chị Lê Hồng Tuyến, trú ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng vừa hoàn tất việc đăng ký tiền tiểu học cho con. Với chi phí 100.000 -150.000 đồng/buổi, theo chị Tuyến, tài chính không phải là vấn đề chị băn khoăn lựa chọn: 

“Tôi sợ con tôi sẽ không tự tin với các bạn. Hầu như các bạn bây giờ đều được đi học tiền tiểu học hết rồi, biết hết mặt chữ. Nếu con mình đến lớp, mà không biết mặt chữ thì con sẽ không có hứng thú. Theo tôi, nên cho con đi học trước, để con không tự ti.

Nhưng tôi cũng biết có vài gia đình là con học rất giỏi. Khi vào năm học, bố mẹ sẽ kèm cặp con, để thời gian nghỉ hè của con trọn vẹn, không bị áp lực học hành từ sớm. Về sau, các con học đúng theo chương trình đấy, vẫn phát triển bình thường, thậm chí học giỏi nữa”.

Mục tiêu chương trình lớp 1 là học sinh biết đọc biết viết. Do đó, nhiều bậc phụ huynh tranh thủ cho con học khóa tiền tiểu học để rèn tác phong, kỷ luật, đồng thời biết mặt chữ (Ảnh nh họa)

Chị Trịnh Thủy, trú ở quận Hoàng Mai, chia sẻ: Trong nội bộ gia đình chị bất đồng ý kiến về việc cho cậu con trai thứ hai đi học tiền tiểu học. Chồng chị Thủy cho rằng, học thêm tiền tiểu học là không cần thiết, trong khi chị thì ngược lại:

“Chồng mình không muốn con mình học quá sớm, vì cũng nhiều người e ngại các con bị đánh mất tuổi thơ, vì thời gian này trôi đi rất nhanh. Nhưng theo mình thì thế này, nếu đặt việc học là tạo áp lực cho con, còn nếu kết hợp việc học với chơi, như con mình đi học thì được cô kết hợp với sách trò chơi, con đi rất vui. Có rất nhiều phương pháp học, cháu không có bất cứ áp lực gì hết. Mình không nghĩ là đánh mất tuổi thơ”.

Chị Thủy có đủ cơ sở để đánh giá về việc cần thiết có một khóa học để rèn tác phong và chỉnh sửa tư thế, thái độ đi học cho con trai. Mỗi bé có sự phát triển, nhận thức khác nhau. Có bé tiếp thu nhanh, có bé chậm, có bé kỷ luật, có bé thì bị kém chú ý, tập trung. Theo chị, quan điểm Âu hóa đi học nên chơi nhiều không hẳn đã là phù hợp với tất cả:

“Bạn nhà mình cũng biết đếm số trước khi đi học tiền tiểu học, nhưng nhìn chữ thì phân biệt được nhưng không viết được. Bạn ấy cũng có tật khi viết là viết tay trái, ngồi nhìn vở rất sát. Khi đi học thì cô đã rèn rất tốt cho bạn về tác phong ngồi, cách cầm bút, cách đặt vở, viết chữ.

Bạn ấy học rất say mê và hào hứng. Mình thấy tiền tiểu học có nhiều điểm tích cực, con làm quen sớm với chữ, được tiếp xúc với môi trường khác với mẫu giáo. Đang đến lớp ăn với chơi, ngủ thôi, còn ở lớp ngồi bàn học đàng hoàng”.

Tiền tiểu học thực chất không nặng nề như nhiều người nghĩ (Ảnh nh hoạ: Vietnamnet)

Chị Nguyễn Thương Huyền, phụ huynh ở quận Hoàn Kiếm cũng có chung suy nghĩ: Tiền tiểu học thực chất không nặng nề như nhiều người nghĩ. Chương trình học lớp 1 khá nhẹ nhàng, nếu bố mẹ phối hợp tốt với nhà trường đồng hành cùng các con thì khả năng thích ứng khi chuyển cấp của trẻ sẽ tốt.

Bản thân chị cũng từng lo xa và cho con trai đầu đi học khóa học này từ rất sớm. Kết quả là con chị chưa được chuẩn bị tinh thần đầy đủ nên không thấy thoải mái thời gian đầu. Rút kinh nghiệm với bé thứ hai, chị Huyền chỉ cho bé đi học từ mùa hè, tức là trước nhập học 3 tháng: 

“Với bạn thứ hai, tôi chuẩn bị tâm lý tốt hơn, tạo một thói quen buổi tối ngồi vào bàn học. Không nhất thiết là học chữ, học nét, mà cho học tô vẽ. Dần dần từ gia đình rồi bạn ấy được làm quen với trường cấp 1. Hè này, trường có tổ chức lớp tiền tiểu học, con tôi cũng tham gia. Các cô cũng không bắt học ngay mà có sinh hoạt chung, tạo nếp thời gian, thói quen mới”.

Các con sẽ được làm quen sớm với môi trường và phương pháp giáo dục tiểu học (Ảnh: Ban Mai School)

Là một giáo viên, chị Nguyễn Thương Huyền đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh: Khóa học nào cũng cần sự phù hợp với từng đứa trẻ, phù hợp với nguyện vọng và mục tiêu cũng như khả năng của gia đình. Rất khó để cho rằng trường phái nào mới là đúng đắn, học mà chơi, chơi mà học, hay thực sự nghiêm túc với việc học hành.

“Tôi nghĩ rằng, bố mẹ trong môi trường mong muốn con học hành nhẹ nhàng, thoải mái hay bố mẹ muốn con đạt thành tích, mục tiêu cao ở cấp 2, cấp 3, thì bố mẹ cũng đều cận sự đồng hành, sắp xếp thời khóa biểu hỗ trợ con ở một môi trường mới. Với những môi trường có sự ganh đua, kỷ luật cao, đó cũng là môi trường tốt, nhưng nó không hẳn phù hợp với mọi đứa trẻ, có thể một số bé thôi”.

Theo đa số phụ huynh, tiền tiểu học chỉ là một trong những khóa học đơn giản, bình thường như bao khóa học ngoại khóa khác mà các con có sở trường và yêu thích. Nó chỉ thực sự là vấn đề nếu con bị ép đi học, bị áp lực và không thoải mái./.