Phản ứng của người dân khi giá trông giữ ô tô tăng cao

VOVGT- Theo ghi nhận sau 10 ngày áp dụng, mức phí mới đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía người dân…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhiều người dân cho rằng mức phí trông giữ xe quá cao, không hợp lý (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Từ ngày 1/1 vừa qua, ở các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, các điểm trông giữ xe ngoài trời được phép của UBND TP Hà Nội đồng loạt thu tăng giá theo quy định mới. Cụ thể, giá gửi xe ban ngày và ban đêm lần lượt với xe đạp là 3.000 - 5.000 đồng, xe máy 5.000 - 8.000 đồng/lượt, ô tô tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng.

Tại các điểm giữ xe trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá gửi ô tô từ 25.000 - 45.000 đồng. Phí đỗ xe 2 tiếng đầu là 25.000 đồng/giờ, tiếng thứ 3 và 4, mỗi giờ 35.000 đồng. Từ tiếng thứ 5 trở đi, lái xe phải trả 45.000 đồng/giờ. Nếu một xe gửi 8 tiếng buổi sáng thì tài xế phải bỏ ra tới 300.000 đồng.

Các điểm trông xe có phép của UBND TP đều đã dán thông báo, công khai mức giá mới ngay đầu lối vào bãi xe. Tuy nhiên, tới nay nhiều người dân vẫn tỏ ra bất ngờ, bức xúc.

 

# “Tôi thấy rằng mức phí mới là quá cao, không hợp lý; tăng phí phải có lộ trình chứ thế này người lao động như chúng tôi đi làm không có công”

# “Mức phí trông giữ ô tô hiện nay là quá cao so với thu nhập. Trong khi việc quản lý vỉa hè lòng đường hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập nên nếu Thành phố muốn tăng mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè phải đưa ra lộ trình cụ thể mà các đơn vị cung cấp sẽ tăng phí lên theo, và phải có cam kết rõ ràng để người dân đồng tình mới có thể thực hiện được”.

>>>Cách nào kiểm soát thực hiện đúng quy định mới về giá trông giữ ô tô, xe máy

Một nhân viên văn phòng, người thường xuyên gửi ô tô tại phố Lý Thường Kiệt cho biết, từ khi phí trông giữ tăng cao chị đành để ô tô ở nhà, đi làm bằng xe máy. Nếu như trước đây, bãi giữ xe trên tuyến phố này luôn kín chỗ thì nay chỉ còn một số phương tiện gửi xe theo tháng, số ít xe gửi theo giờ thường đi rất nhanh: “Rõ ràng quy định mới của Thành phố đã có tác động tích cực trong việc hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân trong nội đô, giúp cho các tuyến phố thông thoáng hơn. Tuy vậy, trong thời gian đầu triển khai thực hiện đã gây khó khăn không nhỏ cho các chủ phương tiện, ảnh hưởng tới nguồn thu của những điểm trông giữ xe đã được cấp phép”

 

Nhiều người dân sử dụng ô tô thường xuyên gửi xe tại các tuyến phố khu vực trung tâm Thành phố, hay các điểm trông xe ngoài trời đã tỏ ra khá lo lắng (Ảnh: Lao động)

Với những người có đặc thù công việc phải sử dụng ôtô đi lại nhiều, ước tính mỗi ngày nếu gửi xe từ 7-8 tiếng, họ phải bỏ ra từ 200-300.000 đồng/ngày cho việc trông giữ xe.

Do vậy, nhiều chủ xe đã sử dụng taxi hoặc taxi công nghệ làm phương tiện đi lại để giảm chi phí bãi đỗ, xăng xe. Vì thế điều khiến các chuyên gia băn khoăn là quy định tăng phí trông giữ xe nhằm khiến lượng phương tiện cá nhân giảm song số xe taxi có thể lại tăng nhanh do nhu cầu đi lại của người dân tăng. Như vậy, bài toán về ùn tắc giao thông liệu có được giải quyết thỏa đáng?

Luật sư Lê Minh Trường, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội nêu ý kiến về vấn đề này: “Đối với các điểm trông giữ xe chúng ta cần có những quy định rõ ràng để tránh việc bị chiếm dụng, kinh doanh trông giữ phương tiện không được cấp phép. Ở góc độ quản lý Nhà nước, điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề thứ 2 đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm hạn chế phương tiện di chuyển vào trung tâm Thành phố. Về lâu dài chúng ta vẫn cần phải đầu tư hệ thống bãi đỗ xe hiện đại, an toàn để người dân có nhu cầu có thể sử dụng các tiện ích cần thiết”.

 

Như vậy, so với quy định cũ, mức phí trông giữ cao hơn từ 2- 3 lần đã khiến một số người dân chuyển hướng đi làm bằng taxi, xe máy, một số khác thì chuyển sang gửi tại các điểm trông giữ xe tư nhân ở khu vực gần đó, số còn lại buộc phải tiếp tục gửi do chưa tìm được điểm trông giữ mới.

Tới nay, mặc dù các điểm trông xe có phép đều có bảng niêm yết công khai mức giá mới ngay đầu lối vào bãi xe, nhưng đa số người gửi xe đều cho rằng, việc tăng giá giữ xe cần có lộ trình và phải thông tin rộng rãi đến người dân, tránh để chủ phương tiện bị động với mức phí gửi xe tăng cao.

>>> Thí điểm một số điểm dừng của taxi trên phố nội đô: Đừng để taxi có tiếng mà không có ếng

Các chuyên gia và người dân Thủ đô nhìn chung đều ủng hộ các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, kéo giảm ùn tắc giao thông; trong đó có giải pháp tăng phí trông giữ xe. Tuy nhiên, người dân cũng cho rằng, giải pháp này cần được thực hiện theo một lộ trình phù hợp để người dân có sự chuẩn bị và phương án chuyển đổi phương tiện hợp lý.

Mặt khác, để đạt được mục đích trong công tác quản lý đô thị thì đi cùng với biện pháp tăng phí phải là những cam kết của chính quyền Thành phố đối với việc tăng cường kiểm soát và dẹp bỏ những vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè để làm nơi trông giữ xe. Bên cạnh những những vấn đề vừa nêu, giá trông giữ xe tăng cao còn dẫn tới lo ngại là các xe hợp đồng sẽ có dịp nở rộ do người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng những phương tiện như Grab, Uber.