Phân luồng lại cao tốc Cam Lộ - La Sơn: Căn cứ khoa học hay rủi ro bị “đẩy” cho địa phương

Mới đây Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN đề nghị không cấm xe khách trên 30 chỗ, xe tải nặng từ 6 trục trở lên đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Vì cho rằng việc phân luồng này là vội vàng, không có cơ sở khoa học và cố tình đẩy rủi ro về cho địa phương.

Vậy đâu là các căn cứ khoa học của việc phân luồng này? Công tác đảm bảo ATGT, khắc phục điểm đen và bảo trì tuyến QL1A thời gian qua được thực hiện thế nào? Sau một tuần phân luồng tình hình TTATGT trên cả 2 tuyến này thế nào?

Xung quanh các vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với đại diện Cục Đường bộ VN và Chủ đầu tư dự án Cam Lộ - La Sơn.

Trước hết là cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ VN).

PV: Ông cho biết đâu là cơ sở khoa học của việc phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và QL1?

Ông Lê Hồng Điệp: Trước hết dựa trên cơ sở tính toán của tư vấn, lưu lượng thông xe của QL1 được 31 nghìn xe tiêu chuẩn nhưng hiện nay mới đạt 26 nghìn xe, trong khi lưu lượng thực tế lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đạt gần 10 nghìn xe tiêu chuẩn, nhưng theo thiết kế lưu lượng thông qua được chỉ ở mức 9.200 xe tiêu chuẩn.

Như vậy Cam Lộ - La Sơn đã qúa tải, trên cơ sở từng loại xe, tuyến Cam Lộ - La Sơn có thể san sẻ sang QL1 khoảng 3 nghìn xe, lúc này Cam Lộ - La Sơn còn khoảng hơn 6 nghìn xe quy đổi và QL1 sẽ lên 29 nghìn xe (chưa mãn tải).

Dự kiến tới đây các ngày lễ 30/4-1/5 số lượng xe những ngày này cũng sẽ cao hơn. Và tới đây sẽ mở rộng, nâng cấp tuyến Cam Lộ - La Sơn, có xe thi công đi trên tuyến cũng sẽ ảnh hưởng đến đi đường… Nhìn xa như vậy nên Cục Đường bộ VN đã tổ chức hội thảo và lấy ý kiến, trong 8 cơ quan có 6 cơ quan đồng ý với việc phân luồng này.

Về ý kiến của Đoàn ĐBQH Quảng Trị chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để có sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, tôi khẳng định không vì mục đích gì khác ngoài đảm bảo TTATGT là lợi ích chung của toàn dân.

Ảnh: VnExpress

PV: Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng việc phân luồng này đang cố tình đẩy rủi ro về cho địa phương với lý do QL1A đã xuống cấp. Vậy công tác bảo trì duy tu tuyến QL1A được thực hiện thế nào? 

Ông Lê Hồng Điệp: QL1 đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị có rất nhiều đoạn được thực hiện BOT, một số đoạn do nhà nước quản lý, thời gian qua và kế hoạch bảo trì hàng năm tất cả đều được Khu quản lý đường bộ II và các công ty BOT tiến hành duy tu, bảo trì đầy đủ.

Cụ thể, đảm bảo mặt đường êm thuận; sơn kẻ đường đầy đủ; lề đường, rãnh thoát nước đảm bảo tốt; các điểm đường cong và có nguy cơ về TNGT chúng tôi đều căn cứ vào Thông tư 26 rà soát và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT.

Tôi khẳng định đến nay, kể cả địa phương và các ngành chức năng, lực lượng chỉ huy điều hành giao thông chưa phát hiện thêm điểm đen nào, còn điểm tiềm ẩn có thể có nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên xử lý.

Ngay cả việc thực hiện Chỉ thị 31 của TTCP ngành đường bộ đã khảo sát trên toàn bộ hệ thống QL có tới 3.900 cồng trường học đấu nối vào QL, trong nguồn vốn duy tu sửa chữa đã tiến hành khắc phục bước 1 cho 3.290 trường học.

Và mới đây đã có quyết định cho phép đầu tư, sửa chữa mấy chục trường học cho riêng Quảng Trị rồi. Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm sâu hơn nữa, nhất là khi phân luồng xe tải từ 6 trục trở lên sang QL1, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để duy tu vì đây là những đoàn xe tải nặng; tăng cường hệ thống biển báo, tăng cường lực lượng tuần đường, trực chốt, hướng dẫn phân luồng sang QL1, đường HCM nhánh Tây…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nối tiếp là cuộc trao đổi giữa PV VOV Giao thông với ông Lê Văn Sáu - Phó Giám đốc Ban QLDA Hồ Chí Minh – Chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

PV: Xin ông cho biết tình hình TTATGT trên cao tốc này sau 1 tuần phân luồng?

Ông Lê Văn Sáu: Sau 1 tuần thực hiện QĐ của Cục Đường bộ VN về công tác phân luồng đến nay chưa xảy ra vụ TNGT nào gây chết người trên cả 2 tuyến, bước đầu cho thấy việc phân luồng này là khả quan và phù hợp với thực tế hiện nay.

Sau khi có ý kiến của các cơ quan liên ngành kiến nghị chủ đầu tư khắc phục, bổ sung hệ thống ATGT như: đinh phản quang, tiêu mềm, tiêu phản quang và 1 số biển báo nhằm mục tiêu cảnh báo từ sớm, từ xa đối với người điều khiển phương tiện, đến nay chúng tôi đã thực hiện cơ bản xong.

PV: Việc phân luồng hiện nay ngoài việc giảm tải cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn nó còn có ý nghĩa như thế nào khi tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng đoạn tuyến này theo chỉ đạo khẩn của Chính phủ?

Ông Lê Văn Sáu: Việc điều tiết hiện nay và sắp tới khi mà triển khai dự án mở rộng Cam Lộ - La Sơn thì chắc chắn sẽ phải điều tiết một lượng phương tiện lớn hơn về QL1. Bởi vì khi triển khai thi công, lưu lượng tham gia giao thông như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và sự an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông.

Tôi rất mong 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chia sẻ với Bộ GTVT trong việc điều tiết giao thông như vừa qua và sắp tới nếu có phải tiếp tục điều tiết các loại phương tiện khác cũng mong các địa phương chia sẻ để dự án sớm hoàn thành việc đầu tư mở rộng, khi đã được đầu tư mở rộng thì sẽ chia sẻ lưu lượng rất nhiều cho QL1, nguy cơ TNGT trên cả 2 tuyến sẽ kéo giảm rất nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cũng theo ông Lê Văn Sáu sở dĩ vừa qua cao tốc Cam Lộ - La Sơn chớm quá tải là bởi tuyến này có chiều dài gần 100km nhưng chưa thu phí, trong khi đó trên QL1 đang tiến hành thu phí. Vì vậy một lượng lớn phương tiện đổ dồn về đây để né thu phí và rút ngắn thời gian di chuyển.