'Phải tội' với người nghèo

Ai trong số chúng ta đã trải qua tuổi thơ nghèo khó, đều từng nghe ông bà, cha mẹ quở trách khi ăn cơm mà để rơi vãi, hoặc ăn dở bỏ thừa, rằng: “phải tội”!

Ảnh nh họa
 

Với suy nghĩ non nớt bé thơ, ta chưa hiểu vì sao lãng phí là “phải tội”, khi cơm ai người ấy ăn.

Lớn lên, khi đã có thể tự kiếm sống, cũng chưa chắc ta đã hiểu điều này, nếu công việc thuận lợi, đời sống đủ đầy, hoặc mọi thứ cứ bình lặng trôi qua.

Cho đến khi bạn gặp một biến cố thực sự đáng kể, áp lực chạy ăn từng bữa cho gia đình, lo cha mẹ già nay ốm mai đau, lo cưu mang suốt đời một người anh người em khuyết tật… thì mới thấy, đồ ăn thức uống, của cải vật chất đáng quý thế nào. Thật có lỗi với chính mình nếu lãng phí những gì ta đã đổi bằng mồ hôi nước mắt.

Dù số tỉ phú đô la trên thế giới không ngừng tăng lên, nhưng ở rất nhiều nơi trên trái đất này, vẫn có những người đang sống mòn vì đói. Khủng hoảng lương thực chưa bao giờ chấm dứt, và càng đe dọa nghiêm trọng hơn trong đại dịch.

Không đâu xa, ngay bà con ruột thịt của mình, ở những nơi dịch bệnh căng thẳng, những vùng giãn cách kéo dài, cũng hoàn toàn có thể bị đói nếu không được hỗ trợ kịp thời. 

Hơn bao giờ hết, bạn càng thấy quý hơn từng hạt gạo, chén cơm. Người có đồ ăn ngon cũng không nỡ khoe khoang, người đang tạm ổn cũng ăn uống tiết kiệm hơn, chỉ vừa vặn cho nhu cầu dinh dưỡng. Đức tiết kiệm, lúc này như một bản năng ứng xử của người Việt khi “một con ngựa đau”, và là một cách để nhắc mình không bao giờ chủ quan, phung phí những gì đang có.

Đừng ngại mang tiếng “tằn tiện”. Bởi khi biết tiếc một hạt cơm rơi, biết xót ruột khi vứt đi một tấm áo lành, và biết thực lòng cảm thấy “phải tội” với người nghèo, đó chính là dấu hiệu của sự trưởng thành./.