“Ôi… lại phố đi bộ”

Phố đi bộ không chỉ là không gian văn hóa du lịch, mỗi tuyến phố lại mang trong mình một nét đặc trưng riêng để thu hút du khách. Thế nhưng, phải chăng Hà Nội đang có quá nhiều phố đi bộ khiến người dân bị “bội thực”?

Những tuyến phố đi bộ này liệu có đón nhận được sự hưởng ứng của người dân hay lại mang cho họ những phiền toái không đáng có?

PV VOV Giao thông ghi nhận tại phố đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) trong những ngày qua.

 

Phố xá đìu hiu trong những ngày đầu phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh đưa vào hoạt động.

Phố xá đìu hiu, hàng quán ế ẩm, không gian chật chội… Đây là những gì người dân cảm nhận và chia sẻ với PV VOV Giao thông sau hơn 2 ngày khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh được đưa vào hoạt động.

Gần như ngày nào cũng đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, ông Huy (trú tại phố Kim Mã) đã nhận ra ngay sự thay đổi ngay sau khi con đường quanh hồ trở thành phố đi bộ. Theo ông Huy, những ngày qua phố xá đã được gọn gàng hơn, vỉa hè cũng chẳng còn hàng rong, trả lại không gian cho người đi bộ. Thế nhưng, nếu coi đây là phố đi bộ thì sẽ không thể thành công, bởi lẽ đây là tuyến phố nhỏ và ngắn, mặt khác cũng không có hoạt động vui chơi giải trí để thu hút du khách.

“Hàng quán không lấn chiếm ở đây chúng tôi đi bộ thoải mái hơn. Nhưng mà tự nhiên có 1 đoạn cũng mở ra phố đi bộ, chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Cả một vòng hồ đẹp như thế này, bên kia còn một đoạn ngắn cũng không làm, vẫn để lồi lõm như thế.

Đã làm thì phải làm hết, cả cái áo còn một cái dải cũng không làm thì không đồng bộ tí nào. Tôi sợ không biết có làm được bền không hay lại đâu vào đó. Ngày mai, xe máy lại để đầy lên vỉa hè, rác rưởi để đầy đây, không ăn thua, tôi chỉ thấy Bờ Hồ làm là hấp dẫn còn lại các nơi làm đều không thành công”, ông Huy cho biết.

Khung cảnh vắng lặng nhưng yên bình tại phố đi bộ hồ Ngọc Khánh.

Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh có thể đáp ứng được tiêu chí của một số bộ phận người dân yêu thích sự yên tĩnh, yên bình vào những ngày cuối tuần. Đây cũng là thời gian để cho đường phố nghỉ, trẻ em có thể tự do vui chơi, đạp xe dưới lòng đường, người lớn cũng có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng sau những ngày trong tuần con phố này hoạt động sầm uất.

Thế nhưng, nếu mục tiêu mở phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh để thu hút khách du lịch thì trong hơn 2 ngày hoạt động vừa qua, phố đi bộ này lại chưa hoàn thành nhiệm vụ của nó. Theo anh Đỗ Hoàng Chính Tâm, du khách đến từ TP. HCM, đường của phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh có diện tích nhỏ, do đó nếu tập trung quá nhiều người dân sẽ rất ngột ngạt và khó di chuyển:

“Ở đây có vẻ yên tĩnh hơn thích hợp cho việc tập thể dục hay ngồi giải trí tĩnh lặng hơn là đi bộ. Mình nghĩ nếu làm phố đi bộ thì nên làm ở nơi sầm uất, nhiều khu giải trí hơn. Còn ở đây chỉ có quán café để ngồi nghỉ ngơi tĩnh lặng. Mình nghĩ chọn khu phố này hơi bất hợp lý.

Phố đi bộ tập trung chủ yếu người trẻ, nên có hoạt động như trung tâm game hoặc nơi bán đồ ăn, hai bên phố phải có cái để giải trí, các bạn trẻ có thể giải trí được. Ví dụ xung quanh đây có rạp chiếu phim, các bạn trẻ xem phim ra thì có thẻ đi bộ để giải trí. Mình thấy xung quanh đây hầu như chỉ có café thì hơi ít”.

Hàng quán trong khu vực phố đi bộ trong tình trạng ế ẩm, chẳng lấy một mống khách.

Một điều kỳ lạ rằng, nếu như ở các tuyến phố đi bộ khác, các hàng quán ăn nên làm ra nhờ lượng khách đông vào cuối tuần. Thế nhưng ở phố đi bộ hồ Ngọc Khánh, các chủ cửa hàng lại tỏ ra chán nản bởi đường thì bị cấm không cho xe qua lại, phố đi bộ thì vắng vẻ khiến nhiều hàng quán chẳng thể thu nhập. Một chủ quán café trong phố đi bộ hồ Ngọc Khánh chia sẻ:

“Lượng khách từ tối qua khá ít, giảm khá nhiều so với ngày thường. Thường ngày thứ 7, chủ nhật có lượng khách khá đông, nhưng hôm nay phố đi bộ nên chẳng có mấy khách vì không có ai vào đây hết. Khách người ta chỉ có nhu cầu đi xe máy vào thôi chứ không có nhu cầu đi bộ nên lượng khách vắng hơn. Nếu ở hồ Gươm thì tấp nập hơn vì có nhiều hoạt động vui chơi hơn còn ở đây thì không có gì ngoại trừ các quán café, ngày thường buôn bán các thứ nhưng nay hạn chế khách thì chẳng còn gì hết”.

Còn theo anh Minh, nhân viên quán IC café (số 6, Phạm Huy Thông) cho biết: “Thực sự là rất vắng, vắng hơn nhiều với ngày thường. Ở đây là tiếp khách bên ngoài và từ công ty quanh đây. Giờ rào đường chắc chắn không có khách, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bán hàng của bên mình vì người ta ngại gửi xe ở ngoài để đi bộ vào uống café…”

Một số cửa hàng ăn uống xả thẳng nước thải ra vỉa hè và đường đi bộ.

Như vậy phố đi bộ hồ Ngọc Khánh là phố đi bộ thứ 2 trên địa bàn quận Ba Đình và là tuyến phố đi bộ thứ 7 của TP. Hà Nội. Trước đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ) cũng trong tình trạng ế ẩm, sau nhiều lần điều chỉnh, tuyến phố này đã trở thành không gian văn hóa sáng tạo của quận Tây Hồ.

Hay như phố đi bộ Trần Nhân Tông, lượng người đến vui chơi khá thưa thớt, các quầy hàng phục vụ người dân cũng lác đác. Chỉ trừ những lúc diễn ra các sự kiện lớn, không gian này thu hút đông người tham gia, các ngày còn lại luôn trong tình trạng vắng vẻ.

Trong khuân viên phố đi bộ hồ Ngọc Khánh đã xuất hiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bày bán hàng hóa.
Tình trạng xe dừng đỗ tại phố Phạm Huy Thông (trước lối vào phố đi bộ hồ Ngọc Khánh) mà không thấy có xử lý của cơ quan chức năng.
Liệu phố đi bộ hồ Ngọc Khánh có đạt được như kỳ vọng, hay lại “sớm nở chóng tàn” hoặc hoạt động theo kiểu cầm chừng, được ngày nào hay ngày đấy…

Câu hỏi đặt ra là: Liệu các quận huyện có thi nhau chạy theo trào lưu để “khai sinh” ra các tuyến phố đi bộ? Các phố đi bộ sau khi được mở ra liệu có giữ được những nét đặc sắc của địa phương hay chỉ “sao y bản chính” của những nơi khác?

Do đó, Hà Nội cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa thương mại và đời sống tinh thần của nhân dân, đảm bảo các nét đặc trưng vốn có của từng khu vực gắn với từng không gian đi bộ. Có như vậy, các tuyến phố đi bộ mới trở thành không gian văn hóa đúng nghĩa, thực sự thu hút người dân và du khách./.