Ô tô hay cách quản trị đang là cơn ác mộng với đô thị?

Quãng năm 2012, tôi có điều kiện được sang tác nghiệp ở thành phố Bangkok. Thủ đô Thái Lan khi ấy hiện lên đầy năng động, hiện đại, với nhiều làn xe xếp chồng lên nhau, đường sắt trên cao ở khắp mọi nơi, ô tô chiếm áp đảo tất cả phương tiện khác.

Ảnh nh họa

Nhưng khi chúng tôi di chuyển từ Bangkok sang tỉnh kế bên, vấn đề nhức nhối của đô thị này hiện ra. Đó là tắc đường.

Để dễ hình dung, thời gian đi từ khách sạn ở trung tâm Bangkok tới tỉnh kế bên mất khoảng 3 giờ đồng hồ, trong đó 2 tiếng là để đi từ trung tâm Bangkok ra khỏi Bangkok.

Nạn kẹt xe hơi ở Bangkok 10 năm trước, giờ đã tái hiện ở Hà Nội. Nếu lái ô tô đi vành đai 3 trên cao vào một ngày đông đúc, rất có thể, bạn sẽ mất từ 1-2 tiếng để ra được khu vực ngoại ô.

Hà Nội đang trên đường phát triển hạ tầng giao thông giống như Bangkok, và thành phố này cũng gặp phải các vấn đề y như Bangkok.

Quay sang Đài Loan (Trung Quốc), một vùng lãnh thổ cũng có nhiều nét tương tự Hà Nội, khi có tỉ lệ xe máy trên đầu người rất cao thuộc top đầu thế giới, tỉ lệ sở hữu ô tô tại quốc đảo này cũng ngày một gia tăng đều đặn khoảng 400 nghìn xe hàng năm.

Họ ít khi kẹt xe bởi những giải pháp hết sức khoa học và triệt để. Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ và có làn riêng cho người đi xe đạp. Lòng đường nơi đủ rộng được phép đỗ ô tô. Giá gửi xe ở các trung tâm thương mại, nơi mua sắm, khu vui chơi trong nội đô rất đắt, người ta không khuyến khích dân tự lái xe cá nhân.

Trên đường, xe máy được ưu tiên chỗ dừng gần đèn tín hiệu nhất. Khi đèn xanh, xe máy cần rẽ thoát hết mới đến các phương tiện đi thẳng. Xe buýt cũng được phân một làn riêng biệt để đảm bảo tính ưu tiên cho giao thông công cộng.

Tàu điện ngầm, tàu điện trên cao luôn có sẵn trong bán kính 1 cây số. Dưới nhà ga là một thế giới mua sắm, tham quan tráng lệ, thu hút đông đảo người dân, du khách.

Để hạn chế lưu lượng quá đông vào giờ cao điểm, Đài Loan có chính sách hạn chế xe máy, xe hơi vào nội đô bằng công cụ thu phí. Riêng xe hơi nếu chạy rỗng hoặc chỉ chở 1 người sẽ không được đi từ ngoài vào trung tâm thành phố.

Giải pháp di chuyển thay thế là người dân buộc phải chọn phương tiện công cộng.

Bên cạnh hạ tầng giao thông bố trí logic, hợp lý, việc xử lý vi phạm ở Đài Loan rất nghiêm và nặng, không có chuyện xin xỏ hoặc xe to phải đền xe bé. Vấn đề đào tạo và sát hạch bằng lái rất chặt chẽ. Nhờ vậy, ý thức tham gia giao thông của người dân rất cao. Nếu có tắc đường thì cũng sẽ tắc trong trật tự.

Có thể thấy, có nơi xe máy nhiều hơn Hà Nội mà vẫn ít gặp ùn tắc. Có nơi tỉ lệ gia tăng ô tô cá nhân cao hơn nhưng vẫn không phải hy sinh vỉa hè.

Có vẻ như các nhà quản trị đô thị tại Hà Nội vẫn đang loay hoay với những việc cấm xe máy, hạn chế ô tô, xén đường, xây cầu mà chưa nhìn thẳng vào bất cập của bộ máy quản lý, trong việc thực hiện những cam kết.

Thực tế, ô tô không có lỗi. Cách các nhà quản lý ứng xử, chuẩn bị cho sự bùng nổ của ô tô mới đáng trách, dù nó rất dễ dự đoán và có nhiều thời gian để lên kế hoạch. Việc ngăn cấm ô tô cũng không phải giải pháp gốc rễ vấn đề. Không ô tô thì sẽ là một phương tiện khác trở thành “vua đường phố”.

Nếu một ngày ô tô biến mất, đó không phải phép màu hóa giải cái chết được báo trước của giao thông đô thị.

Cơn ác mộng thực sự nằm ở yếu tố con người.