Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

Vài năm trở lại đây, có vẻ như nhiều người đã không còn coi thịt chó là một món khoái khẩu nữa? Những quán thịt chó dần đóng cửa và thu hẹp hoạt động, bởi vắng khách. Có lẽ việc bắt đầu từ bỏ một thói quen ẩm thực đã kéo dài cả trăm, cả ngàn năm lịch sử xuất phát từ chuyện bây giờ thay vì là một loài nuôi để giết thịt, người ta đã coi chó mèo như thú cưng – là một thành viên trong gia đình...

Trái ngược với số phận may mắn của những chú chó, mèo, thì trong vài chục năm trở lại đây, ở Việt Nam có phong trào nuôi thú rừng để lấy thịt, lấy nhung, lấy sừng, lấy mật… để phục vụ cho mục đích ăn nhậu, bồi bổ, nâng cao sức khỏe của con người.

Ảnh nh họa: Động vật hoang dã được nuôi trong vườn thú Hà Nội

Cùng với đó là sự xuất hiện trên truyền thông với những phóng sự, chuyên mục cổ vũ những mô hình được gọi là “nông dân lao động giỏi, sáng tạo”, với những cá nhân, hộ gia đình xây dựng các trang trại, chuồng nuôi nhốt thú rừng như một cách tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp.

Theo bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) chia sẻ, việc gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm sẽ gây ra những hệ lụy rất xấu. Việc đem tương lai của nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm. Do vậy, pháp luật cần nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. 

Theo một con số thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 9.000 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã với mục đích thương mại, và đáng nói là hiện nay, hoạt động này được cấp phép, với hàng triệu cá thể của khoảng 300 loài khác nhau. Trong đó có khoảng trên 90% là hộ gia đình, tư nhân…

Còn nhớ cách đây hơn chục năm về trước, mô hình nuôi gấu lấy mật nở rộ ở khắp nơi. Nhìn những con gấu nằm rũ trong những chiếc lồng sắt, đến bữa được cho ăn và chờ ngày người ta chọc kim vào cơ thể để rút ra vài chục cc mật, để phục vụ việc bán cho người muốn tẩm bổ sức khỏe, thật kinh khủng.

Những mô hình nuôi hươu nai lấy nhung, lấy thịt hiện nay rất phổ biến và hoàn toàn được phép. Rồi khỉ, tê tê, trăn rắn, chim hoang dã… cũng đều được mang về nhốt trong chuồng để gây nuôi bán thương mại…

Hiện nay có những ý kiến ủng hộ việc hợp pháp hóa gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và cho rằng gây nuôi thương mại vừa là giải pháp phát triển kinh tế vừa có giá trị bảo tồn?...

Các chuyên gia về động vật hoang dã cũng đã nhiều lần khẳng định, trên thực tế, hầu như không có giá trị bảo tồn diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài động vật hoang dã. Hơn nữa, hầu hết các cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi hay bắt nuôi nhốt trong thời gian dài, đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kỹ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được thả. Đó là trong trường hợp chúng được thả…

Ai cũng biết, cùng với sự phát triển của con người, thiên nhiên, động vật hoang dã dần trở nên yếu thế và bị thu hẹp môi trường sống. Cùng với đó là sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. 

Những loài vật vốn sinh ra ở nơi hoang dã, khi được nuôi nhốt trong vườn thú, trong chuồng sẽ dần mất đi bản năng sinh tồn tự nhiên của mình

Tới đây, người viết chợt nhớ tới một chi tiết lịch sử, có thể nói là kinh hoàng và đáng quên nhất trong lịch sử loài người. Đó là vào khoảng từ những năm 1900 -1958, ở châu Âu và Mỹ, những người da trắng, trong quá trình đi xâm chiếm thuộc địa từ khắp các châu lục khác như châu Á, châu Phi, châu Mỹ, họ đã mang về những người thổ dân, những người thuộc thế giới "kém văn nh" hơn họ, mà họ cho rằng là những chủng tộc hoang dã, thấp kém, "man rợ", "chưa tiến hóa". Và rồi, người ta lập ra những Human Zoo - những vườn thú người, để "trưng bày" cho người da trắng đến xem.

Những con người bị nhốt vào chuồng thú ấy, xa rời khỏi môi trường sống của họ, xa người thân, xa quê hương, chết dần chết mòn, và để tồn tại chỉ còn cách là làm trò mua vui cho kẻ bỏ tiền ra mua vé vào thăm quan "vườn thú người" ấy...  

Một em bé người Philippine trong "vườn thú người" ở châu Âu trong những năm đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu lịch sử)

Chuyện tưởng chừng "chẳng liên quan", nhưng lại thể hiện rõ cả một quá trình "tiến hóa" về tư tưởng của loài người...

Quay trở lại câu chuyện của chúng ta, câu hỏi đặt ra, làm thế nào để thay đổi được suy nghĩ của người Việt, là không chỉ sống cho hôm nay mà còn phải tạo dựng nền móng cho tương lai, cho các thế hệ con cháu tiếp sau của chúng ta được hưởng, được thấy những điều kỳ diệu của thiên nhiên mang lại? Sẽ là rất khó, bởi suy nghĩ mặc nhiên chúng ta tự cho rằng, mình có quyền quyết định sự sống của những loài khác… 

Đã có lúc, cả xã hội phẫn nộ, lên án một lễ hội và cả cộng động nơi sở hữu lễ hội ấy mang một chú lợn ra chém để cúng tế, nhưng lại đang dễ dàng chấp nhận việc nuôi nhốt, giết thịt thú rừng?