Vậy nước ngọt có tác động thế nào tới sức khỏe người tiêu dùng mà bị xem xét đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?
Trước thông tin có thể nước ngọt sẽ tăng mạnh giá bán trong thời gian tới, đa số người dân khi được hỏi đều cho rằng, có biết tới tác hại của nó, nhưng do thói quen nên khó từ bỏ hoặc hạn chế sử dụng trong thời gian ngắn trước mắt. Bên cạnh đó, họ quan niệm, đường không phải thủ phạm duy nhất gây thừa cân, béo phì.
“Nếu mà bây giờ đồ uống có đường tăng giá, với một sinh viên tài chính còn hạn hẹp như mình thì sẽ không tiếp tục sử dụng sản phẩm đó nữa. Nhưng mình sẽ không bỏ được đồ uống có đường mà sẽ tiêu thụ bánh ngọt hoặc là kẹo thay cho phần nước uống đấy”.
“Mình nghĩ là mình vẫn sẽ mua vì đó là sở thích và thói quen rồi nên khó để bỏ. Nhưng mà chắc là sẽ hạn chế đi và tìm những đồ ăn, đồ uống khác có vị ngọt và có mức giá phải chăng hơn”.
“Tôi già rồi nên không uống nhiều đường nhưng con cháu ở nhà vẫn uống đều. Bảo thì có bảo nhưng nó vẫn uống”.
Theo các công bố khoa học, một lon nước ngọt thông thường thể tích 330ml có chứa tới 35g đường, gần gấp đôi so với nhu cầu hàng ngày của người trưởng thành. Tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bộ Tài chính cho biết, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhằm thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế.
Theo Bác sĩ Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đa số người đến khám tại Viện lo ngại về tình trạng thừa cân của bản thân. Bác sĩ Quyên nhấn mạnh, đường không phải “thủ phạm” duy nhất gây ra tình trạng thừa cần, béo phì, nhưng là “sát thủ” âm thầm gây hại cho sức khỏe con người, không chỉ làm trầm trọng hơn căn bệnh thừa cân, béo phì mà còn ảnh hưởng đến hệ thống sức khỏe tổng quát của con người.
“Khi tiêu thụ một lượng đường quá lớn sẽ khiến cho cơ thể hình thành phản ứng không có lợi, khiến cơ thể đứng trước các nguy cơ dễ mắc rối loạn dung nạp đường huyết, thừa cân, béo phì. Nếu như một chế độ ăn bị thừa đường cũng sẽ trở thành nguy cơ gây rối loạn mỡ máu. Chứ không phải ăn nhiều mỡ sẽ rối loạn mỡ máu, ăn nhiều đường thì đái tháo đường đơn thuần”, Bác sĩ Trần Châu Quyên cho biết.
Ở góc độ người bán hàng, bà Nguyễn Thị Hiền, 58 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, chắc chắn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến giá tăng mạnh, và là rào cản lớn với khách hàng trong việc quyết định mua loại đồ uống có đường.
Bà Hiền nhận định, để hài hòa giữa lợi ích kinh doanh lẫn sức khỏe người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất nước giải khát cần chủ động giảm hàm lượng đường xuống dưới mức chịu thuế là 5g/100ml:
“Bây giờ có thể góp ý với nhà sản xuất là giảm lượng đường đi, cho độ ngọt nhẹ đi mà vẫn giữ giá thì sẽ hay hơn. Như thế cô vẫn bán được. Còn người mua mà tăng giá là người ta tẩy chay ngay”.
Đánh giá chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Healthbridge Canada tại Việt Nam cho hay, tỉ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người ở Việt Nam đến năm 2020 đã lên đến gần 70 lít. Chứng tỏ, người Việt ngày càng “nghiện” nước ngọt.
Một số nhóm giải khát được tiêu thụ mạnh, tăng trưởng hơn nhiều so với những năm trước đó như nước có ga, nước tăng lực, nước uống thể thao, trà pha sẵn,... tỉ lệ thuận với đó là số lượng trẻ em thừa cân béo phì tại Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực.
“Áp thuế cho đồ uống có đường được coi là biện pháp can thiệp rất hiệu quả. Đánh thuế đồ uống có đường sẽ làm tăng giá sản phẩm, giá tăng khiến người mua hạn chế tiêu thụ, từ đó giảm thừa cân béo phì và các bệnh liên quan khác. Như thế sẽ giảm gánh nặng bệnh tật cho hệ thống y tế. Tại Việt Nam, chúng tôi cũng thấy rằng việc áp thuế đồ uống có đường ở mức 60 đồng/1 gam đường/100ml thì lượng tiêu thụ sẽ giảm đi 10% - 25%, tùy dạng đồ uống có đường”.
Các chuyên gia đều đồng tình với lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng./.