Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thị thành ký

Cứ cuối năm lại… sửa đường

Hải Bằng: Thứ ba 05/11/2024, 15:07 (GMT+7)

Như đã thành thông lệ, cứ vào cuối năm là phong trào chỉnh trang đô thị lại được nở rộ. Nhiều tuyến đường đang to đẹp bỗng dưng được cào xới để chờ thảm lại. Kể cả những đoạn vỉa hè từng được quảng cáo là lát đá tự nhiên có độ bền hàng thập kỷ.

Thế nhưng, dù mới chỉ đưa vào sử dụng được vài năm, đến nay vỉa hè cũng được thay mới, khiến nhiều người không khỏi xót xa và cảm thấy lãng phí…

Những ngày qua, cả tuyến phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) đang được chỉnh trang, lát lại đã vỉa hè. Trời hanh khô, vỉa hè lát đá xong còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, chỉ 1 cơn gió nhẹ cũng khiến cát bụi bay mù mịt.

Vật liệu xây dựng ngổn ngang trên phố Cửa Bắc

Vật liệu xây dựng ngổn ngang trên phố Cửa Bắc

Theo quan sát của của PV, nhiều đoạn vỉa hè đã lát xong đá, thế nhưng vẫn chưa hoàn trả mặt bằng sạch cho người đi bộ, vẫn còn ngổn ngang xi măng và những chống đá đang chắn ngang vỉa hè. Một số đoạn vỉa hè khác sau khi lát đá xong thì cũng ngay lập tức bị giày xéo dưới bánh xe ô tô và bãi gửi xe máy.

Ông Nguyễn Trường Sơn, sống tại phố Cửa Bắc cho biết: “6 tháng cuối năm là đào đường, vỉa hè để làm lại. Nếu so với tình trạng kinh tế hiện nay thì cái đó vẫn sử dụng được. Mà kinh phí sẽ được đưa vào để làm các chuyện khác hay hơn trong lúc mình đang bị bão lụt, thiên tai…

Bây giờ nếu làm đồng loạt cả vỉa hè thì không nên, phải xem tuyến đường nào nát quá. Khi kiểm tra tuyến Cửa Bắc có nên phải làm hay không? hay cũng như đường này, chỗ nào gồ ghề, ổ gà có thể vá được thì nên vá. Cảm giác là đây là giải ngân của TP. Hà Nội, rất kém, gần như năm nào cũng thế”.

Theo người dân, vỉa hè phố Cửa Bắc cách đây vài năm mới được lát đá có độ bền hàng thập kỷ. Thế nhưng nay đã được làm lại, vậy chất lượng đá có thực sự đúng như lời “quảng cáo”?

Theo người dân, vỉa hè phố Cửa Bắc cách đây vài năm mới được lát đá có độ bền hàng thập kỷ. Thế nhưng nay đã được làm lại, vậy chất lượng đá có thực sự đúng như lời “quảng cáo”?

Một đoạn vỉa hè được cấp phép trông giữ phương tiện. Thế nhưng, mọi thông tin về đơn vị trông giữ phương tiện lại rất mù mịt. Xe máy, ô tô đỗ chắn ngang vỉa hè. Vậy, lát đá vỉa hè cho người đi bộ hay làm bãi trông giữ xe?

Một đoạn vỉa hè được cấp phép trông giữ phương tiện. Thế nhưng, mọi thông tin về đơn vị trông giữ phương tiện lại rất mù mịt. Xe máy, ô tô đỗ chắn ngang vỉa hè. Vậy, lát đá vỉa hè cho người đi bộ hay làm bãi trông giữ xe?

Chẳng riêng phố Cửa Bắc, nhiều tuyến phố nội thành của thủ đô cũng trở thành công trường trong những ngày cuối năm. Tại phố Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cả tuyến phố trong những ngày này cũng trở nên bụi bặm hơn bởi đang được sửa sang mặt đường.

Ông Phạm Quốc Cần (trú tại phố Mai Hắc Đế) cho biết, cả tuyến đường đang to đẹp bỗng dưng sau 1 đêm bị cào xới nham nhở, bụi bay mù mịt, nhiều người dân đã phải lạng tay lái mỗi khi đi vào những rãnh được đơn vị thi công cào lên để thi công mặt đường:

“Đường ở đây mới sửa cách đây vài năm mà đường tốt lắm mà chẳng hiểu sao họ cào đi làm lại. Trong khi đó nhiều đường còn tệ hơn. Cậu nhìn đoạn đường ở giữa kìa, nó tốt như thế nào thì ở trong này đường tốt như thế, chẳng có ổ gà ổ voi vì trong phố dân sinh, đi lại không có xe tải trọng nặng thì sẽ không vấn đề gì.

Đường phẳng đôi lúc gặp rãnh đi còn khó nữa là đường cào đều đều thế này. Đây chắc là công nghệ lạc hậu lắm rồi. Vì ở nước ngoài người ta cào xong người ta đốt để tận dụng lớp nhựa đường rồi họ cán đường luôn. Ở đây chắc mình không có công nghệ đó”.

Mặt đường phố Mai Hắc Đế đang bị cào xới nham nhở trong những ngày qua để thảm lại mặt đường.

Mặt đường phố Mai Hắc Đế đang bị cào xới nham nhở trong những ngày qua để thảm lại mặt đường.

Loay hoay bê đống đồ đạc cất vào nhà để tránh bụi, bà H.T.M trú tại số 112C (phố Mai Hắc Đế) cho biết, chỉ từ sáng đến đầu giờ chiều, bà đã phải lau nhà 3-4 lần bởi bụi cuốn từ mặt đường đang sửa chữa bay thẳng vào nhà.

Theo bà M, việc sửa chữa đường là điều cần thiết để tránh xảy ra TNGT, nhất là trong các tuyến phố nội đô. Thế nhưng, có nhất thiết phải cào xới để sửa chữa những đoạn đường đang còn rất đẹp? Vì sao cứ phải tập trung sửa đường vào những tháng cuối năm? Liệu có phát sinh tiêu cực?

Cuối năm, là thời điểm mật độ giao thông cao, nhất là tình trạng giao thông trong tuyến phố nội đô, chỉ cần xuất hiện 1 vài điểm sửa đường sẽ trở thành các lô cốt cản trở phương tiện lưu thông, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm. Bà M chia sẻ:

“Đường cày xới lên dân tình không đi nhanh được phải đi chậm thôi, bụi bẩn lắm, nếu họ làm nhanh được thì tốt, đằng này để 2 ngày nay rồi. Đường phố đông đúc đâm ra rất bụi bẩn, các cô ở đây phải dội nước xuốt ngày cho đỡ bụi, ngồi 1 tí coi như là bụi trắng tay ngay. Sửa càng sớm càng tốt, cứ để đến cuối năm dân tình đi lại đông đúc nên chiều đến hay tắc vì không sửa đã hay tắc rồi, cứ đào lên mãi thế này thì còn tắc nữa. Cho nên cứ để sửa vào trong năm thì sẽ đẹp hơn”.

Một đoạn phố Hoàng Cầu cũng được tu sửa vào những ngày cuối năm

Một đoạn phố Hoàng Cầu cũng được tu sửa vào những ngày cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Do đó, việc nhiều đoạn đường, vỉa hè được sửa chữa đã gây không ít phản cảm cho người dân. Cơ quan quản lý cần có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời, nên có kế hoạch phân bổ hợp lý các hạng mục tu sửa, tránh để ùn ứ làm đồng loạt vào cuối năm gây bức xúc cho người dân.

Liệu lần này, đá vỉa hè sẽ có tuổi thọ bao nhiêu năm?

Liệu lần này, đá vỉa hè sẽ có tuổi thọ bao nhiêu năm?

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh trong cách làm, thậm chí trong cách nghĩ. Các kế hoạch sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp.

Có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân vào dịp cuối năm, còn dịp trong năm thì sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để nó hạn chế ảnh hưởng tới người dân.

Thế nhưng, dường như bỏ mặc khuyến cáo của các chuyên gia từ những năm trước đây. Cứ đến cuối năm, điệp khúc sửa đường tại Hà Nội lại được vang lên, lặp đi lặp lại và in sâu trong tâm trí của người dân thủ đô…/.

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn