Núi rác bốc mùi trong khi nhà máy bỏ hoang

Bãi rác tỉnh Vĩnh Long đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương suốt 25 năm qua vì phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc bao trùm, ruồi nhặng tấn công và nguồn nước ô nhiễm.

Điều đáng nói, đây là bãi rác lớn nhưng lại thiếu công nghệ xử lý. Trong khi đó, nhà máy đốt rác được đầu tư trăm tỉ lại “trơ thân” bỏ hoang.

Đến xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, nơi đặt bãi rác lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long giữa trưa hè, người đi đường chỉ có thể nín thở. Cái nóng của nắng làm hắc lên mùi hôi thối, lan ra khắp một vùng trời.

Mấy chục năm qua, người dân xã Hòa Phú đã sống chung với ô nhiễm môi trường từ không khí, nước đến côn trùng sinh sôi từ rác. Dẫu rằng, sống gần bãi rác là phải ngửi mùi hôi, nhưng sức chịu đựng đã vượt quá khả năng chấp nhận.

Ông Lê Minh Thiện – Đại biểu HĐND huyện Long Hồ cho biết: "Nhân dân rất là bức xúc việc bãi rác làm ô nhiễm mùi hôi trong khí, nước từ bãi rác rò rỉ làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân sống xung quanh bãi rác".

Hiện tại các hỗ chôn rác tại bãi rác Hòa Phú đã đầy nhưng bãi vẫn phải tiếp nhận 350 tấn mỗi ngày. Dẫn đến rác chất chồng như núi.

Bãi rác tỉnh Vĩnh Long được xây dựng trên diện tích đất 2 hecta, có sức chứa 74.000 tấn rác. Đến nay, bãi rác đã chứa hơn 200.000 tấn, vượt hơn 3 lần so với công suất thiết kế.

Mặc dù đã quá tải nhưng mỗi ngày bãi vẫn cứ phải tiếp nhận 350 tấn rác từ các huyện đổ về. Từ trước đến nay, rác được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp nhưng 03 hố chôn cũng đã đầy.

Ông Lê Minh Thiện – Đại biểu HĐND huyện Long Hồ cho biết: "Mỗi ngày rò rỉ và sạt lở nhiều hơn, bãi rác như là bể nước trên không, ô nhiễm mùi hôi hằng ngày, xung quanh bãi rác là đê bao, bên trong là nước và rác thì rất là nguy hiểm. 25 năm nay chúng ta xử lý bãi rác Hòa Phú theo hình thức tình thế chứ nói về giải pháp căn cơ, khoa học thì ta chưa áp dụng được".

Hiện tại các hỗ chôn rác tại bãi rác Hòa Phú đã đầy nhưng bãi vẫn phải tiếp nhận 350 tấn mỗi ngày. Dẫn đến rác chất chồng như núi.

Năm 2013, Công ty CP xây dựng Phương Thảo đưa Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (nằm trong khu bãi rác Hòa Phú) vào hoạt động với vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, công suất xử lý 200 - 300 tấn rác/ngày theo công nghệ châu Âu.

Tuy nhiên, hoạt động được nửa năm thì ngưng. Đến năm 2016 tái mở cửa nhưng chuyển sang phương thức đốt, được một thời gian ngắn tại tiếp tục “trùm mền” với lý do tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành. Thực tế khiến người dân đặt dấu hỏi về vấn đề kêu gọi đầu tư không hiệu quả của Vĩnh Long và chậm xử lý các tình huống phát sinh.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ - ngụ tại huyện Long Hồ cho biết: "Bãi rác Hòa Phú nó ô nhiễm môi trường từ nhiệm kỳ 7  tức từ năm 2004, càng về sau càng phức tạp hơn. Vậy thì chúng tôi muốn biết, khi nào bãi rác Hòa Phú không còn ô nhiễm nữa?"

Ông Lữ Quang Ngời -  Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận trước đây việc lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác có sơ suất. Từ đó, dẫn đến nhà đầu tư không có năng lực về tài chính. Vĩnh Long đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bãi rác và chỉ đạo ngành chuyên môn quan áp dụng biện pháp xử lý hóa học để tạm thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nhà máy đốt rác Phương Thảo đầu tư 200 tỉ đồng trong khuôn viên bãi rác Hòa Phú nhưng hoen rỉ, đóng cửa nhiều năm vì hoạt động không hiệu quả.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định: "Giải pháp lâu dài sẽ chỉ đạo các sở liên ngành thực hiện các thủ tục để mời gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành.

Trong đó xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ tiên tiên ít ô nhiễm để thay thế công nghệ chôn lấp hiện nay làm sao không để lặp lại tình trạng như nhà máy cũ trước đây với công nghệ lạc hậu và năng lực đầu tư không có".

Nước bãi rác rò rỉ ra ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thiệt hại lúa và hoa màu. Nếu ngành chức năng chậm triển khai biện pháp ngày nào thì đời sống nhân dân ở Hòa Phú sẽ “long đong” chừng ấy.