Nở rộ phòng chờ sân bay hạng sang, nhưng không đem lại doanh thu

Sử dụng đồ ăn, đồ uống miễn phí, có không gian riêng để thư giãn, tránh xa đám đông ồn ào là những đặc quyền mà ‘khách VIP’ của các hãng hàng không được hưởng khi chờ làm thủ tục tại sân bay. Tuy nhiên, đi cùng với dịch vụ xa xỉ này, chi phí phải bỏ ra cũng không hề rẻ.

Chờ làm thủ tục tại sân bay là khoảng thời gian không mấy dễ chịu với nhiều người. Để giảm thiểu sự mệt mỏi cho hành khách, nhiều hãng hàng không đưa ra dịch vụ ‘phòng chờ vip’ tại sân bay.

Các phòng chờ này thường có không gian rộng rãi, bao gồm nhiều tiện nghi hiện đại như quầy bar mở, phục vụ đồ ăn uống không giới hạn, có phòng tập Gym và spa. Thậm chí các khách vip còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, giá trị của mỗi địa phương nơi họ đến.

Bà Allison Ausband, Giám đốc trải nghiệm khách hàng của Delta AirLines chia sẻ: “Tôi có thể nói rằng, bất kỳ sự chờ đợi nào cũng là quá lâu và mệt mỏi. Chính vì vậy chúng tôi đang làm mọi thứ để giảm thiểu điều đó”.

Phòng chờ hạng sang của hãng Delta Air Lines tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ - Ảnh CNBC

Tuy nhiên, những phòng chờ hạng sang không dành cho số đông. Theo đó, vé hạng nhất và hạng thương gia của các hãng hàng không như American, United hay Delta Air Lines sẽ đi kèm dịch vụ phòng chờ VIP với chuyến bay quốc tế, không bao gồm chuyến nội địa. Hành khách cũng có thể đóng phí phòng chờ cá nhân có giá từ 650 đến 850 USD mỗi năm.

Một số hãng hàng không khác đưa ra chính sách ‘tích lũy số dặm bay’ để ưu đãi cho các khách hàng thân thiết. Nếu đạt ngưỡng ‘thẻ bạch kim’ hành khách sẽ được ễn phí hành lý ký gửi, làm thủ tục nhanh, hưởng các dịch vụ khách hàng cao cấp và tất nhiên là quyền sử dụng phòng chờ VIP tại sân bay.

Bà Jenn Scheurich, Giám đốc phụ trách bán lẻ tại Công ty du lịch Capital One nhận định: “Khách hàng thường khen thưởng những công ty chăm sóc họ tốt và chúng tôi thực sự cảm thấy phòng chờ là một phần quan trọng đối các hãng hàng không”

Chia sẻ điều này, ông Conor Cunningham, Giám đốc nghiên cứu hàng không và du lịch của hãng Melius Research nêu quan điểm: “Nếu bạn sẵn sàng trả tiền và cam kết lâu dài với một hãng hàng không, coi đó như một đối tác cho việc đi lại của bạn thì họ cũng sẵn sàng thưởng cho bạn những đặc quyền tốt hơn”.

Khảo sát cho thấy, gần 60% khách du lịch tại Mỹ có nhu cầu sử dụng phòng chờ VIP tại các sân bay. Trong khi đó, số lượng vé hạng nhất và hạng thương gia cũng tăng theo từng năm. Điều này biến không gian phòng chờ hạng sang, vốn trước đây chỉ dành cho nhóm nhỏ hành khách, thì nay, ngày càng nhiều người có thể tiếp cận. Xu hướng này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các hãng hàng không.

Phòng chờ của United Airlines tại Sân bay Quốc tế Newark Liberty - Ảnh CNBC

Ông Raphael Girardoni, Giám đốc điều hành Dịch vụ khách hàng cao cấp của American Airlines cho biết: “Chúng tôi nhận thấy số lượng khách quan tâm đến việc sử dụng phòng chờ ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực mở rộng thêm địa điểm cũ, xây thêm điểm mới để có thể phục vụ tất cả mọi người”.

Nhu cầu lớn, nhưng muốn có ‘một mảnh đất’ để xây dựng phòng chờ vip tại sân bay là điều hết sức tốn kém và không phải dễ dàng đối với các hãng hàng không. Theo các chuyên gia, để có không gian này nhiều hãng phải chi tới hàng triệu USD, trong khi những phòng chờ không mang lại nhiều doanh thu cho họ, ít nhất là doanh thu trực tiếp.

Bà Allison Ausband, Giám đốc trải nghiệm khách hàng của Delta Air Lines cho biết: “Đây không phải công cụ kiếm tiền của chúng tôi mà là cung cấp trải nghiệm cho những khách hàng đã trả phí để bay cùng Delta”

Đồng quan điểm, ông Claude Roussel, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Sky và trải nghiệm phòng chờ tại Delta Air Lines cho biết, đây là một trong những cách để hãng giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm khách mới: “Chúng tôi không xem các phòng chờ là trung tâm lợi nhuận mà muốn biến dịch vụ này trở thành lý do để hành khách thực sự muốn bay cùng Delta Air Lines. Đó mới là mục tiêu chính”

Tại Việt Nam, sân bay Nội Bài cũng có tới 6 phòng chờ thương gia dành cho khách VIP, bao gồm khu vực phòng nghỉ ngơi, phòng tắm, phòng hút thuốc, phòng thư giãn với máy massage… đạt chuẩn 4 sao và sở hữu hệ thống máy tính, giải trí hiện đại cùng nhiều ấn phẩm báo, tạp chí trong nước quốc tế.

Đặc biệt, hành khách của khu vực phòng chờ này sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn hấp dẫn tại quầy buffet Á-Âu, món chay, rượu vang, cocktail, trái cây tươi theo mùa với menu được cập nhật thường xuyên.

Được biết, muốn sử dụng dịch vụ phòng chờ thương gia Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài hành khách phải chi từ 330.000 đồng tới 450.000 đồng với ga quốc nội. Từ 600 nghìn tới 800 nghìn với ga quốc tế. Trong khi đó, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 8 phòng chờ VIP dành cho khách hạng thương gia, được giới thiệu có thiết kế sang trọng mang đậm phong cách riêng của Sài Gòn.